Trong 2 năm 2017 và 2018, con cá tra Việt Nam được xem như đã trở lại thời kỳ hoàng kim của nó; đặc biệt là năm 2018 giá cá tra đạt ngưỡng kỷ lục. Tuy nhiên, bước sang năm 2019, giá cá tra bắt đầu lao dốc, đến giữa năm nay, giá cá nguyên liệu đã tụt tận đáy, chỉ từ 19.000 – 20.000 đồng/kg; Đây cũng là thời điểm giá cá tra thấp kỷ lục trong 10 năm qua.

Theo các hộ dân nuôi cá tra thương phẩm tại một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, từ đầu năm đến nay, giá cá tra liên tục giảm, từ 35.000 đồng/kg nay chỉ còn 19.000 đồng/kg. Với giá bán như vậy, người nuôi lỗ khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg.

Tại tỉnh An Giang, một trong những địa phương đứng đầu về xuất khẩu cá tra, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hầu như không thu mua cá của nông dân, mà chỉ chế biến cá của doanh nghiệp mình nuôi. Bên cạnh đó, người nuôi cá còn phải đối mặt với tình trạng nguồn cá giống không đảm bảo chất lượng; cá bị bệnh, tỷ lệ sống thấp, chi phí cao, nên người nuôi cá bị lỗ kép. 

vov_catra3_jbaq.jpg
Từ đầu năm 2019 đến nay, giá cá tra liên tục giảm, từ 35.000 đồng/kg nay chỉ còn 19.000 đồng/kg.

Ông Cao Lương Tri, nông dân nuôi cá tra ở xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, là người từng "thăng trầm" với con cá tra hàng chục năm nay cho biết, trong năm qua, doanh nghiệp trong nước không thu mua cá cho người dân, chỉ có một số nhà máy do người Trung Quốc thuê lại để chế biến, rồi đi theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. 

“Giá cá hiện nay không phải do doanh nghiệp đưa ra mà do những nhà máy Trung Quốc quyết định. Người dân bị ép giá và sợ rủi ro nên chấp nhận bán giá 19.000 đồng/kg để lấy tiền luôn. Cùng đó, giá cá giống cũng giảm rất thấp rẻ hơn cá thịt, chỉ còn có 15.000 – 17.000 đồng/kg nhưng người dân vẫn thả nuôi, tỷ lệ cá thả nuôi sống ít, hao hụt chết tới 40% nên đề án cải tạo cá tra giống thực tế đến nay chưa có hiệu quả”, ông Tri cho biết.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cá tra giảm mạnh so với năm 2018, nhất là một số thị trường xuất khẩu lớn như: Trung Quốc, Mỹ, Brazil và Colombia vẫn tăng trưởng âm ở những tháng cuối năm, hiện nay thị trường xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn; Đặc biệt là 2 thị trường truyền thống là Mỹ, châu Âu giảm mạnh.

Tính đến hết tháng 10, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,64 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ 2018; Trong đó, thị trường Mỹ chỉ đạt 232,9 triệu USD, giảm 45,8%; Brazil đạt 47,2 triệu USD, giảm 29,6%; Colombia đạt 39,2 triệu USD, giảm 23,2%. Còn các thị trường lớn và tiềm năng như ASEAN, Mexico và Nhật Bản tăng mạnh ở hai quý đầu năm, nhưng chững lại hoặc tăng trưởng chậm trong hai quý còn lại. Theo dự báo, đến hết năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam giảm khoảng 15% so với năm ngoái.

Ông Ngô Quang Trưởng, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông cho biết, năm 2018, Công ty của ông xuất khẩu sang thị trường Mỹ với giá gần 5 USD/kg, nhưng năm nay chỉ còn hơn 3 USD/kg. Nguyên nhân là do ngành quá đề cao về doanh thu xuất khẩu và sản lượng nuôi trồng, chưa quan tâm đến chất lượng và giá trị xuất khẩu, nên kim ngạch không thể cao. Đặc biệt, có nhiều nông dân nuôi cá không nằm trong chuỗi liên kết nhưng vẫn ồ ạt mở rộng diện tích nuôi, làm mất cung cầu, ảnh hướng lớn đến giá cá tra.

“Nhiều thành phần không tham gia chuỗi đã tự động, tự phát nuôi cá tra mà không biết bán cho ai. Doanh nghiệp thấy giá thị trường xuống cũng về bắt cá mình nuôi mà bỏ qua những người dân nuôi không gắn kết nên người họ hoang mang không có chỗ bán, họ tự giảm giá. Từ đó có rất nhiều người Trung Quốc sang mua cá của những hộ dân này và thuê nhà máy làm để chuyển về Trung Quốc, làm cho giá cá sụt thê thảm. Khi người dân bán cá giá thấp, thị trường quốc tế nhìn vào giá thấp này sẽ ép giá các doanh nghiệp lớn”, ông Trưởng chia sẻ.

Còn theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội VASEP, nguyên nhân giá cá giảm, xuất khẩu giảm là do những rào cản kỹ thuật của một số nước làm ảnh hưởng đến xuất khẩu cá tra. Mặt khác, do cuối năm 2017 và năm 2018, giá cá tra tăng đột biến, nên diện tích nuôi ở các địa phương liên tục tăng; mặc dù những tháng cuối năm 2019 diện tích nuôi có giảm nhưng không đáng kể... Tính trong 6 tháng đầu năm nay, diện tích nuôi cá tra tại khu vực ĐBSCL đạt hơn 3.900 ha, tăng 8,9% so với cùng thời điểm năm ngoái.

Chia sẻ về hướng phát triển ngành hàng cá tra thời gian tới, ông Trương Đình Hòe cho biết, ngoài việc cân đối cung cầu, cần tập trung vào phát triển thị trường Trung Quốc, xuất khẩu có kiểm soát, duy trì ở mức hợp lý để không phụ thuộc; đồng thời mở rộng thị trường Ấn Độ, đây là thị trường tiềm năng với quy mô dân cư lớn, nhu cầu tiêu thụ cao; Giải quyết vấn đề khủng hoảng truyền thông tại thị trường châu Âu, nâng cao hình ảnh sản phẩm cá tra tại thị trường này. 

“Đối với thị trường Mỹ, khi quốc gia này công nhận cá tra Việt Nam tương đương với cá da trơn, thời gian tới các doanh nghiệp khác tiếp tục đăng ký để được gia nhập vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng cần cân nhắc, đảm bảo điều phối, điều tiết vấn đề này một cách hợp lý nhất là khi xuất khẩu thực sự vào thị trường Mỹ. Nếu cân đối lại nguồn cung cũng như cầu của thị trường, cá tra sẽ có cơ hội xuất khẩu tốt hơn trong năm 2010”, ông Hòe lưu ý.

Để ngành cá tra phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới, cần phải cân đối cung, cầu phải kiểm soát quy hoạch vùng nuôi...

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, việc Mỹ công nhận hệ thống kiểm soát ATTP cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang nước này là động lực quan trọng để thúc đẩy ngành cá tra phát triển bền vững trong thời gian tới. Đây cũng là 1 trong những yêu cầu khắt khe nhất, giúp cá tra Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu không chỉ Mỹ mà còn các thị trường khác.

Ông Tiến cho rằng, để ngành cá tra phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới, cần phải cân đối cung, cầu phải kiểm soát quy hoạch vùng nuôi; Quản lý chặt chẽ hơn về con giống, vì giống không chỉ tác động đến cung cầu mà còn liên quan đến chất lượng sản phẩm, liên quan đến hệ số thức ăn, dịch bệnh…

“Để xuất khẩu tốt cá tra sang các thị trường, kể cả thị trường Trung Quốc, Việt Nam phải có 2 tiêu chí bắt buộc quan trọng đó là: Truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm. Hiện nay, giống cá tra chất lượng cao còn đang có rất nhiều hạn chế. Viện nghiên cứu thủy sản 2 cần liên kết với các doanh nghiệp để đưa được nguồn giống cá tra III cấp với II kháng bệnh. Bộ cũng đề nghị với Chính phủ có cơ chế khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nói chung và vào thủy sản nói riêng, trong đó cá tra cần có những ưu đãi đặc biệt hơn”, ông Tiến cho biết./.

Thị trường tôm, cá tra ấm trở lại

VOV.VN - Sau nhiều ngày rớt thê thảm, giá tôm, cá tra đã tăng trở lại. Tổng cục Thủy sản dự báo, các mặt hàng này sẽ tăng trưởng tốt trong tháng cuối năm.