Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, đây là lúc các ngân hàng phát huy khả năng phân tích, dự báo thị trường để đưa ra các quyết định tín dụng phù hợp. Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh, việc mở rộng tín dụng hoàn toàn không đi cùng với việc giảm các tiêu chuẩn, điều kiện tín dụng.

“Ước tính đến cuối tháng 6, tổng dư nợ tín dụng của các TCTD Hà Nội đạt 663.908 tỷ đồng, tăng 8,52% so với cùng kỳ và tăng 1,68% so với đầu năm, với cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh”, Giám đốc NHNN Hà Nội Nguyễn Thị Mai Sương cho biết tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013 của ngành Ngân hàng trên địa bàn Hà Nội.

nh_infornet.jpg
6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm, chưa tương ứng  huy động vốn (Ảnh: Infornet)

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, DN giải thể ngừng hoạt động nhiều, nên đến 31/5/2013, nợ xấu của các TCTD trên địa bàn chiếm 6,58% so với tổng dư nợ, tăng 1,54% so với cuối năm 2012. Hoạt động tái cơ cấu đã và đang được triển khai có hiệu quả trong khi công tác thanh tra giám sát được tăng cường góp phần ổn định và nâng cao chất lượng quản trị, điều hành của các TCTD…

Báo cáo hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm của NHNN Hà Nội cũng chỉ ra nhiều tồn tại, trong đó nổi lên là tốc độ tăng trưởng tín dụng (TTTD) chậm, chưa tương ứng với tăng trưởng huy động vốn. Nguồn vốn huy động chủ yếu là kỳ hạn ngắn, dẫn đến khó khăn trong việc quản trị nguồn vốn của các TCTD và tiềm ẩn nguy cơ rủi ro kỳ hạn.

Trên cơ sở bám sát chủ trương, nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN, Thành ủy và UBND TP. Hà Nội, NHNN Hà Nội đã xác định 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong điều hành các TCTD trên địa bàn để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc chỉ đạo các TCTD chủ động xác định các mức lãi suất huy động và cho vay phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, điều kiện của thị trường tiền tệ; triển khai các giải pháp để TTTD, phấn đấu đảm bảo tốc độ TTTD năm 2013 theo định hướng đề ra của NHNN. Đồng thời, tập trung triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, rà soát đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi các khoản nợ, tiếp tục cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780/QĐ – NHNN và công văn 2056 của NHNN.

Đại diện các TCTD tham gia Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng Hà Nội 6 tháng cuối năm mặc dù bày tỏ nhất trí cao với các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhưng cũng có nhiều băn khoăn được đưa ra.

Cụ thể như về vấn đề TTTD, ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc VPBank cho biết, với thanh khoản dư giả hiện nay, các ngân hàng rất muốn đẩy vốn ra thị trường. Nhưng vấn đề là “đẩy đi đâu” trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay? “DN yếu, sức mua kém thì liệu có làm được điều này không, hay phải hạ thấp các tiêu chuẩn tín dụng để lại gánh chịu rủi ro nợ xấu trong tương lai?”, vị này đặt câu hỏi mà không quên nhấn mạnh thêm: Trong tất cả các văn bản của NHNN đều khẳng định không hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng.

Câu hỏi này không phải không có lý và được nhiều đại biểu khác đồng tình. Bởi trước đây các DN vẫn kêu lãi suất cao nhưng với các mức lãi suất cho vay giảm mạnh như vừa qua thì đây rõ ràng không còn là vấn đề đối với các DN nữa. “Điều đó cho thấy lãi suất cao không phải là nguyên nhân mà cốt lõi là sức hấp thụ của nền kinh tế”, bà Phan Thị Chinh - Phó Tổng giám đốc BIDV khẳng định

Phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, NHNN Hà Nội cũng như các TCTD trên địa bàn dù đã đạt được những thành quả nhất định trong thời gian qua nhưng còn rất nhiều việc phải làm trong khoảng thời gian 6 tháng tới.

Trong đó, trước mắt Phó Thống đốc yêu cầu các TCTD trên địa bàn cần thực hiện một cách tốt nhất các biểu lãi suất mà NHNN vừa ban hành. Vấn đề huy động, đặc biệt từ trên 6 tháng thì các ngân hàng cần có các tính toán cho hợp lý, tránh tạo ra những đột biến trên thị trường.

Liên quan đến vấn đề TTTD, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, việc TTTD của Hà Nội thấp so với cả nước là vấn đề phải suy nghĩ. Tuy nhiên, việc mở rộng tín dụng vào đâu, bằng cách nào thì các ngân hàng cần tính toán trên cơ sở phù hợp với định hướng của NHNN và điều kiện, khả năng của từng ngân hàng. Theo Phó Thống đốc, đây là lúc các ngân hàng phát huy khả năng phân tích, dự báo thị trường để đưa ra các quyết định tín dụng phù hợp. Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh, việc mở rộng tín dụng hoàn toàn không đi cùng với việc giảm các tiêu chuẩn, điều kiện tín dụng./.