Nêu quan điểm tại tại Hội thảo Quốc tế “Dự báo và Chính sách kinh tế vĩ mô Việt Nam- Tư duy chiến lược của nhà quản trị” sáng 30/11, ông Phạm Viết Muôn -Phó trưởng ban thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết: Lạm phát mục tiêu năm nay là 8%, nhưng chúng ta phấn đấu được ở mức 7,5%. Việc điều hành giá cả tiếp tục điều hành theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước và tập trung vào một số mặt hàng nhạy cảm như sữa, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm, xăng dầu… Đến 2014 và 2015 lạm phát có thể đạt ở mức trung bình thấp của chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 5-7%.
Cũng theo số liệu mà ông Muôn cung cấp, năm nay kinh tế rất khó khăn, chưa bao giờ DN giải thể, ngừng hoạt động lại cao như vậy. Thực tế, con số chính thức cao hơn nhiều so với số báo cáo. DN ngừng hoạt động tính theo đăng ký kinh doanh. Vì thế chỉ có DN báo mới biết.
Thu ngân sách năm nay cũng rất khó khăn. Mọi năm vào thời điểm này thu ngân sách đều đã đạt 100% năm, nếu năm nào thấp thì cũng đạt 94% năm. Năm nay, đến giờ thu ngân sách mới được 85%.
Ông Muôn cũng khuyến cáo: “Năm tới, DN đừng trông chờ nhiều vào đầu tư từ NSNN mà phải tìm nguồn khác như ODA, FDI… Chính phủ kiên quyết không đi vay để ăn, để đầu tư”.
Trung ương đã có kết luận tăng trưởng kinh tế năm 2013 là 5,5%. Mức tăng trưởng này được tính toán, dự báo ở mức trung bình vì ta ưu tiên ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Các DNNN phải đóng vai trò chủ đạo đóng góp cho tăng trưởng năm sau. Nếu GDP tăng 5,5% thì tăng trưởng của DNNN phải tăng gấp 3 lần, khoảng 15%.
Việt Nam có tổng kim ngạch xuất khẩu so với GDP lớn gấp 2 lần. Năm nay xuất khẩu tăng hơn 18%. Lần đầu tiên, xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu. Dự trữ ngoại hối bằng 12 tuần nhập khẩu, khoảng 24-25 tỷ USD. “Tinh thần năm tới, xuất khẩu tăng 18%, nhập khẩu ở mức 6,8-7% để tiếp tục duy trì cán cân thanh toán và duy trì dự trữ ngoại tệ” – ông Phạm Viết Muôn nói.
Nợ xấu NH tăng, DN khó tiếp cận vốn
Cùng với tình trạng hàng tồn kho cao là tình trạng nợ xấu trong các lĩnh vực, đặc biệt là bất động sản. Tình hình nợ xấu đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của các DN. Trong khi tổng số dư tiền gửi ở các TCTD tăng 12,7% so với 31/12/2011 nhưng tính đến ngày 21/9/2012, tín dụng tăng trưởng ở mức thấp, khoảng 2,52%. Một bộ phận lớn DN nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn ngân hàng, khả năng hấp thụ vốn của DN chưa được cải thiện. Các NH đã mở rộng đối tượng cho vay nhưng tín dụng đưa ra chưa nhiều.
Theo ông Muôn: “Chính phủ rất thông hiểu tình cảnh khó khăn hiện nay của DN. Đến 2015 khi lạm phát về 6% thì lãi suất cho vay 8%. Chênh lệch giữa huy động và cho vay phải hẹp lại. Cộng với việc cải cách hệ thống NH thì hệ thống này sẽ hoạt động hiệu quả hơn, chi phí thấp đi, chênh lệch giữa huy động và cho vay sẽ thấp hơn”.
Về dư nợ tín dụng, những năm trước tăng trưởng trên 20% khi GDP tăng 7%, năm nay khả năng tín dụng chỉ tăng 6%. “Lãi suất như vậy mà tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức thấp thì hết sức khó khăn. Tăng GDP 1% thì chí ít tăng tín dụng cũng phải 2-3%. Tinh thần điều hành của Chính phủ là sang năm 2013 phải đưa tăng trưởng tín dụng cao hơn, ít nhất 1% GDP phải bằng 2,5% tín dụng.
Về tỷ giá và lãi suất, theo ông Muôn, mấy năm vừa qua, NHNN đã điều hành tương đối tốt, VND so USD ở mức chấp nhận được. Vị thế VND tốt, dân không tích trữ USD nhiều. Nhưng với lãi suất thì DN lãnh hậu quả lớn. DN từng phải vay với lãi suất lên tới 25% rồi từ từ ép xuống, đến giờ còn khoảng 12-15%. Nếu lãi suất ở mức 8-9% là điều kiện tốt nhất cho DN và nền kinh tế. Lạm phát điều hành xuống mức 7,5% để có cơ sở điều hành lãi suất xuống.
“Tại phiên họp thường kỳ tháng 11, Chính phủ yêu cầu NHNN bàn để đưa lãi suất xuống. Lãi suất huy động khoảng 8-9% cộng thêm các loại phí nữa thì các DN sẽ được tiếp cận với lãi suất vay khoảng 11% là hợp lý” – ông Muôn nói.
Tuy nhiên, “Vấn đề chính của DN hiện nay là giải quyết hàng tồn kho, trước khi tính đến vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Như vậy, để DN tiếp cận được với các khoản vay mới vấn đề không dừng lại ở hạ lãi suất hay khoanh nợ mà còn phải hỗ trợ các giải pháp giải quyết hàng tồn kho cho DN” – ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm.
Công việc cấp bách trước mắt, theo TS Phùng Hữu Phú, là tập trung xử lý nợ xấu và bong bóng bất động sản; bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và các cân đối lớn… Hỗ trợ DN vay vốn với lãi suất hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi giúp DN phục hồi sản xuất, giảm hàng tồn kho, mở rộng thị trường, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động. Bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu; tăng cường quản lý thị trường, giá cả; thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo lộ trình phù hợp và yêu cầu kiểm soát lạm phát./.