Theo Tổng Cty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), chủ đầu tư hai tuyến huyết mạch nối giữa Hà Nội - Hải Phòng bắt đầu từ ngày 1/4, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, các chủ phương tiện phải trả ít nhất 190 nghìn đồng, cao nhất 840 nghìn đồng, tùy từng loại xe, tăng 25% so với hiện tại. Cũng từ 1/4, VIDIFI điều chỉnh tăng phí 2 trạm BOT trên quốc lộ 5. Theo đó, mức thấp nhất với xe dưới 12 chỗ là 45.000 đồng (hiện nay là 30.000 đồng); cao nhất là xe tải trên 18 tấn, xe container có vé lượt 200.000 đồng (hiện nay là 160.000 đồng).
Lý giải về việc tăng phí này, phía VIDIFI cho rằng, nhằm thu hồi vốn đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và sửa chữa, bảo dưỡng, cải tạo Quốc lộ 5 trong điều kiện ngân sách Nhà nước có hạn, không thể hỗ trợ thêm cho dự án nên việc tăng phí đường bộ của 2 tuyến đường này là tất yếu. Nếu không tăng phí theo phương án tài chính đã được các bộ, ngành phê duyệt thì VIDIFI sẽ không đủ trả lãi suất ngân hàng.
Trạm thu phí trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. (Ảnh: Vidifi) |
Việc chủ đầu tư tăng phí “sốc” 25-50%, khiến nhiều nhà xe không khỏi bất bình khi nghĩ tới cảnh bị “chặt chém”. Theo tính toán của các doanh nghiệp vận tải, với mức phí mới, chi phí mỗi tháng bị đội lên vài chục cho đến vài trăm triệu đồng, việc tăng phí sẽ dẫn đến việc tăng cước và cuối cùng người dân là người chịu thiệt.
Ông Bùi Văn Hắc, đại diện HTX Vận tải Quang Vinh (TP. Hải Phòng) than thở: “Việc tăng phí này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Xăng dầu mới giảm được một tý thì phí bến bãi, cầu đường lại tăng chóng mặt. Doanh nghiệp chúng tôi rất khó khăn. Phí tăng ảnh hưởng lớn đến thu nhập của doanh nghiệp. Có những chuyến thu không đủ chi vì chỉ có 5-10 khách, nay lại thêm việc tăng phí thế này thì sẽ càng lỗ thêm”.
Theo tính toán của ông Hắc, việc tăng phí này sẽ làm cho chi phí tăng thêm hơn 20 triệu đồng/tháng. Bởi vậy, doanh nghiệp giờ chịu áp lực kép, không tăng giá thì phải bù lỗ, còn nếu tăng giá quá mạnh thì hành khách sẽ đi phương tiện khác, doanh nghiệp mất khách. “Hiện các phương tiện vận tải cạnh tranh rất mạnh, nếu tăng giá vé khách hàng sẽ không đi. Muốn có khách thì doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi phải có giá thành hấp dẫn hơn các đơn vị vận tải khác thì mới có khách” - ông Hắc nói.
Còn ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Sơn (nhà xe Xuân Sơn) cho rằng, mức phí mới này quá cao, không hợp lý. Việc tăng phí này khiến mỗi tháng công ty ông phải chi thêm 30 triệu đồng. Ngày thường, các xe của công ty đang chạy trên tuyến đường này lỗ bởi khách ít, không bù đủ chi phí, chỉ những ngày cuối tuần, lễ, Tết thì mới có lãi. Ngoài các chi phí nhiên liệu, nhân công, khấu hao xe, nếu mức phí tăng thêm thì doanh nghiệp phải gánh thêm một khoản tiền khá lớn và sẽ tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp và hành khách. Nếu cứ thế này thì doanh nghiệp cũng phải tính đến phương án tăng giá vé.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã đáp ứng được nguyện vọng đi lại của người dân. Tuy nhiên, mức phí quá cao so với thu nhập của người dân. Rõ ràng, doanh nghiệp vận tải không thể chịu được phí quá cao như thế nên sẽ đẩy gánh nặng sang cho người dân. Đối với phương án tăng giá cước thì doanh nghiệp vận tải cũng không thể một sớm một chiều mà tăng ngay được nên sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí nhiều doanh nghiệp sẽ bị lỗ và ngừng hoạt động.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhấn mạnh: “Làm đường thì phải thu phí nhưng theo tôi phải có lộ trình và phù hợp với thu nhập của người dân, nếu không sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân; ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hoá trên tuyến đường đó, đặc biệt là xe tải, xe container phục vụ cho xuất nhập khẩu nối liền thủ đô và các vùng ven...”.
“Để giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp sẽ tránh không đi Quốc lộ 5 mà đi sang đường Quảng Ninh, Quốc lộ 18, thời gian có thể kéo dài nhưng chi phí sẽ đủ bù đắp được” - ông Liên cảnh báo./.Phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng lên cao nhất gần 900 nghìn đồng/lượt
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có mức phí cao nhất 600.000 đồng/lượt