Chiều nay (5/12), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự lễ thông xe toàn tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Đây là tuyến đường cao tốc có vị trí quan trọng trong hệ thống đường cao tốc ở nước ta, tạo xung lực mới cho sự phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Tham dự có nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành trung ương và địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự lễ thông xe toàn tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng |
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là tuyến đường cao tốc hiện đại dài hơn 105km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng với số vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD. Đây là công trình hạ tầng đường bộ lớn và hiện đại nhất hiện nay với tiêu chuẩn đường cao tốc quốc tế loại A, quy mô 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, cho phép tốc độ tối đa lên tới 120km/h.
Như vậy, nếu xuất phát từ cầu Thanh Trì trên đường vành đai 3 ở Hà Nội tới cảng Đình Vũ, Hải Phòng chỉ hết khoảng 1 giờ đồng hồ thay vì 2 tiếng rưỡi như trước đây. Hệ thống kiểm soát giao thông thông minh và thu phí tự động, khép kín cũng sẽ được vận hành trên tuyến cao tốc này. Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là trục giao thông quan trọng kết nối Hà Nội - Hải Phòng nối liền với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với Cảng quốc tế Lạch Huyện lớn nhất miền Bắc…
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng quy mô 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp |
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế hiện đại nhất hiện nay đưa vào khai thác, sẽ tạo xung lực mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cùng với các đường cao tốc khác như: Hà Nội - Ninh Bình, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên và tới đây là cao tốc Tân Vũ - Lạch Huyện, Hải Phòng - Hạ Long… sẽ tạo thành mạng lưới đường cao tốc kết nối thông suốt, hiệu quả vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc gắn với các sân bay, cảng biển quốc tế, không chỉ góp phần bảo đảm an toàn giao thông mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam được giao làm chủ đầu tư; các bộ ngành, địa phương liên quan; các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công; cán bộ, kỹ sư, người lao động đã kiên trì, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để hôm nay đưa dự án trọng điểm quốc gia vào khai thác, nhất là nỗ lực huy động các nguồn lực để thực hiện dự án trong điều kiện khó khăn, số vốn đầu tư thực hiện thấp hơn tổng mức phê duyệt và đạt yêu cầu chất lượng quốc tế…
Để quản lý sử dụng tốt đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các hạng mục phụ trợ của tuyến đường cao tốc đảm bảo đúng thiết kế và tiêu chuẩn nhằm khai thác hiệu quả nhất, an toàn nhất, đồng thời huy động các nguồn lực theo cơ chế thị trường, phát huy kinh nghiệm và nhân lực để tiếp tục đầu tư các dự án, công trình hạ tầng quan trọng khác. Các địa phương: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải cập nhật lại quy hoạch giao thông xây dựng hình thành khung hạ tầng giao thông đồng bộ trong khu vực, tạo xung lực cho sự phát triển.
Đánh giá cao, cảm ơn hơn 47.000 hộ dân trong vùng dự án đi qua đã chấp nhận tái định cư, bàn giao đất để xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Tôi hết sức lưu ý các địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện, chăm lo về việc làm và đời sống cho 47.000 hộ dân bị ảnh hưởng của dự án…”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các địa phương chắt chiu ngân sách, gắn với các cơ chế, chính sách thuận lợi thu hút các nguồn lực xã hội để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, cùng nỗ lực phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có 2.000 km đường cao tốc, đây là một trong 3 khâu đột phá chiến lược để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn các ngân hàng quốc tế đã tài trợ vốn cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và mong muốn các ngân hàng quốc tế tiếp tục hợp tác, tài trợ phát triển cho Việt Nam, nhất là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng./.