Số người trong nhóm trung lưu tại Ấn Độ ước tính đã giảm khoảng 32 triệu người trong năm 2020. Trong khi đó, số người rơi xuống dưới ngưỡng nghèo đói tại quốc gia Nam Á này tăng thêm 75 triệu trong cùng kỳ.

Đây là thông tin trong một báo cáo mà Viện Nghiên cứu Pew vừa công bố ngày 18/3, về hậu quả từ suy thoái kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây ra với nền kinh tế lớn thứ 3 châu Ấu.

Báo cáo dựa trên các phân tích số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng so sánh các số liệu tương tự của Trung Quốc. Trong đó, tình hình của Trung Quốc khả quan hơn với số người rời nhóm trung lưu chỉ khoảng 10 triệu, còn mức độ nghèo đói gần như không thay đổi trong năm vừa qua.

Báo cáo của Viện Pew cho rằng: “Với tổng dân số chiếm tới 1/3 dân số toàn cầu, tình hình đại dịch tại Ấn Độ và Trung Quốc và cách mỗi quốc gia này phục hồi sẽ tác động đáng kể tới sự thay đổi trong phân phối thu nhập ở mức độ toàn cầu”.

Trong năm 2020, kinh tế Ấn Độ rơi vào khủng hoảng nặng lần đầu tiên trong vòng hơn 40 năm qua. Đây là kết quả của việc đại dịch Covid-19 khiến một bộ phận lớn dân số mất việc.

Nhiều dự báo cho thấy, đại dịch Covid-19 có thể đảo ngược một phần thành công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của Ấn Độ trong nhiều năm qua. Sự sụt giảm của tầng lớp trung lưu, vốn là động lực tiêu dùng của nền kinh tế, sẽ còn tác động tới dự báo tăng trưởng của Ấn Độ về trung hạn.

Các dự báo trước khi xảy ra đại dịch nhận định rằng, tầng lớp trung lưu tại Ấn Độ sẽ có khoảng 99 triệu người vào năm 2020. 1 năm sau khi biến cố này, nhóm này được dự báo chỉ còn khoảng 66 triệu, tương đương việc mất đi 1/3.

Cũng theo các ước đoán, số người nghèo tại Ấn Độ có thể lên tới khoảng 134 triệu người, gấp đôi so với những tính toán trước đại dịch./.