Những ngày qua, dư luận đang băn khoăn, hoài nghi về sự chênh lệch giá nước, nơi cao – nơi thấp giữa nhà máy nước sông Đà và nhà máy nước sông Đuống. Cụ thể, trong khi giá nước sông Đà rơi vào khoảng hơn 5.000 đồng/m3, thì giá nước sông Đuống tạm tính tối đa là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế GTGT), chưa kể lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, giá nước sạch không minh bạch sẽ dễ xảy ra nhiều bất cập khiến người dân không tin tưởng. Do đó, cần thiết phải mời cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để làm rõ thông tin cũng như cách tính giá nước.

Liên quan đến vấn đề này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã có những chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội.

ho_duc_phoc_hrgo.jpg
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. (ảnh: KT)

PV: Thưa ông, Kiểm toán Nhà nước có kiểm toán việc xã hội hoá dịch vụ công, như nước sạch?

Ông Hồ Đức Phớc: Việc này không thuộc phạm vi của Kiểm toán Nhà nước, do đầu tư bằng vốn tư nhân, do tư nhân quản lý, sử dụng nên thuộc tài sản tư nhân.

Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán dịch vụ công khi Nhà nước bỏ vốn đầu tư, nhưng trường hợp chưa có vốn và giao cho tư nhân đầu tư, ví dụ như nhà máy nước của thành phố, nhà đầu tư tư nhân làm và sau thời gian nhất định hoàn trả lại cho Nhà nước như hình thức BOT thì Kiểm toán Nhà nước mới có thể vào cuộc kiểm toán.

PV:Theo ông có bất cập hay không khi dịch vụ công tư nhân đầu tư và giá thành bán ra lại cao hơn mặt bằng chung vài nghìn đồng/m3?

Ông Hồ Đức Phớc: Đây là vấn đề của quản lý Nhà nước khi đàm phán giữa Nhà nước và tư nhân. Hiện nay, giá nước do cơ quan quản lý và cơ quan tài chính kiểm soát giá này.

PV: Ví dụ trường hợp Hà Nội bù lỗ cho tư nhân bằng cách ưu đãi đất đai thì sao, như trường hợp của nhà máy nước sông Đuống, thưa ông?

Ông Hồ Đức Phớc: Cái này phải phân loại đầu tư, ví dụ tư nhân đầu tư một nhà máy nước và sản phẩm thuộc sản phẩm của tư nhân thì không được kiểm toán, nhưng có thể thanh tra chuyên ngành hoặc thanh tra tài chính.

PV: Theo ông xã hội hoá dịch vụ công hiện có kẽ hở nào hay không?

Ông Hồ Đức Phớc:Đương nhiên phải quản lý chặt chẽ, nhất là chính sách liên quan tới thuế, giá, đất đai và nguồn lực ưu đãi của Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ, làm phải minh bạch. Về phạm vi quản lý nhà nước thì phải thực hiện giám sát thanh tra, kiểm tra.

PV: Theo ông, huy động vốn tư nhân là tốt nhưng giám sát từ khâu triển khai quy hoạch, chất lượng, đất đai, giá cả… cái đó rất cần kiểm soát ngay từ dầu. Ví dụ dự án PPP phải kiểm soát từ khâu triển khai tới khi thanh lý hợp đồng thì mới có thể chia sẻ rủi ro và mang lợi ích cho cộng đồng. Hiện có đề xuất phân tích vốn đầu tư công, phần vốn nhà nước thì Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, vốn tư nhân bỏ ra thì thôi? 
Ý kiến của ông thế nào?

Ông Hồ Đức Phớc: Đấy là điều vô lý. Trong dự án PPP tài sản là của Nhà nước chứ không phải của tư nhân. Tài sản của Nhà nước thì cần phải được kiểm toán, ở đây chỉ là huy động vốn tư nhân và tư nhân được hoàn lại vốn, trả lại tiền. Ví dụ dự án BOT nhà đầu tư được thu phí để thu lại khoản vốn rót ra đầu tư.

PV: Xin cảm ơn ông./.