Theo kết quả công bố của VCCI, năm 2013 Hà Nội đạt 7,67 điểm so với năm 2012 và xếp thứ 33/63, tăng 18 bậc so với năm ngoái.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được Phòng Công nghiệp thương mại Việt Nam (VCCI) thiết kế để đánh giá về môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và các nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố để thúc đẩy kinh tế tư nhân thông qua cảm nhận của doanh nghiệp tư nhân. Ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI đánh giá trong những năm qua, Hà Nội là một trong những địa phương tích cực cải thiện chỉ số PCI. Với chỉ tiêu tăng bậc cao chỉ trong 1 năm là bước đột phá, cho thấy Hà Nội đã triển khai quyết liệt các chương trình cụ thể để cải thiện PCI. Ông Lộc cho rằng, chỉ số rất quan trọng Hà Nội đang chiếm ưu thế là chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ hỗ trợ mà các địa phương khác đang rất khó khăn.
Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của Hà Nội là một trong những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư |
Theo nhóm nghiên cứu PCI của VCCI, năm 2013, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội vẫn duy trì chỉ số truyền thống xếp hạng tốt.
Các chỉ số có sự thay đổi lớn phải kể đến chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin có sự cải thiện mạnh mẽ tăng 26 bậc so với năm 2012, xếp thứ 13/63. Chỉ số này nhằm đo độ minh bạch và khả năng doanh nghiệp dân doanh tiếp cận thông tin của thành phố. Doanh nghiệp cũng đánh giá cao Cổng thông tin điện tử của thành phố xếp thứ 4/63, tăng 12 bậc và cho rằng các tài liệu kế hoạch, quy hoạch chính sách của thành phố đã minh bạch hơn tăng 7 bậc. Vai trò phản biện, tư vấn của các Hiệp hội doanh nghiệp cao hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho rằng vẫn cần có mối quan hệ để có được các tài liệu từ thành phố, “thương lượng với cán bộ thuế là một phần tất yếu trong hoạt động kinh doanh”, doanh nghiệp cho biết.
Theo nhóm nghiên cứu PCI, chỉ số chi phí gia nhập thị trường năm 2013 của Hà Nội đạt được kết quả tương đối ổn định. Đây là chỉ số nhằm đo thời gian, chi phí doanh nghiệp bỏ ra để có thể hoàn thành các thủ tục để hoạt động kinh doanh. Thời gian được cấp GCN quyền sử dụng đất giảm từ 30 ngày xuống còn 20 ngày tăng 43 bậc, xếp thứ 4/63.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đánh giá các chỉ số Hà Nội có xếp loại thấp so với cả nước dù được cải thiện nhưng chưa nhiều ở các chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, chi phí thời gian để thực hiện các quy định Nhà nước, chi phí không chính thức, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo, thiết chế pháp lý.
Giáo sư- Tiến sĩ kinh tế Edmund Malesky, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI cho rằng, việc sáp nhập với Hà Tây, Hà Nội tiếp cận đất đai là rất khó khăn, đặc biệt chi phí bôi trơn là câu chuyện dễ nghe thấy nhất ở các quán cà phê.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, một nhà đầu tư khi lựa chọn địa phương để đầu tư cân nhắc đến nhiều yếu tố như: vị trí địa lý mà với Thủ đô cơ sở hạ tầng ưu việt đó là lợi thế không địa phương nào so sánh được, thêm nữa nguồn nhân lực, sân bay, cảng biển… cũng rất tốt.
Theo ông Tuấn yếu tố điều hành của chính quyền địa phương rất được nhà đầu tư quan tâm. Hà Nội nếu cải thiện tốt chất lượng điều hành, thủ tục hành chính của địa phương thì thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn nữa bởi với nhà đầu tư nhu cầu về chất lượng điều hành tốt rất cao, nhất là với nhà đầu tư đến từ phương Tây. “Một tỉnh, thành có PCI cao có nghĩa là chi phí gia nhập thị trường thấp, tiếp cận đất đai dễ dàng, cảm giác sử dụng đất đai ổn định, môi trường kinh doanh minh bạch, dễ dàng tiếp cận thông tin cần thiết cho cơ hội kinh doanh và chi phí không chính thức thấp, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chất lượng cao…”- Ông Tuấn nói.
Cho ý kiến về những lĩnh vực tác động đến các chỉ số PCI, liên quan đến lĩnh vực đất đất đai, ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2013, Sở đã cấp được 1.200 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 120% chỉ tiêu. Sở đã triển khai cấp GCN QSD đất trên cả hệ thống công trực tuyến mức độ 3. Thời hạn cấp giấy giảm từ 30 ngày xuống còn 20 ngày. Năm nay, phấn đấu vượt 2.000 giấy và thời gian rút ngắn dưới 20 ngày.
Hiện nay, Hà Nội đã có các quy hoạch chung, chuyên ngành, chi tiết đã rất rõ ràng, vì vậy sẽ không có tình trạng cấp đất cho doanh nghiệp xong lại thu hồi lại, doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư.
Ông Khánh cho biết thêm, “Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng không thấy doanh nghiệp phản ánh khó khăn về tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính…”.
Ngành Thuế Hà Nội là một đơn vị “cọ xát”, tiếp xúc nhiều với doanh nghiệp, có khối lượng giải quyết thủ tục hành chính khá lớn. Chia sẻ về công tác cải cách hành chính, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp khi giao dịch. Ông Vũ Xuân Bách, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, năm 2013, Cục thuế đã cố gắng giảm thời gian cho doanh nghiệp khi đến làm các TTHC tại Cục Thuế, nhiều thủ tục được rút ngắn thời gian từ 10 ngày xuống còn 6 ngày. Đặc biệt, thời gian đăng ký thủ tục phát hành hoá đơn giảm xuống chỉ còn 2 ngày “Đây là áp lực rất lớn với ngành Thuế nhưng chúng tôi xác định phải làm”, ông Bách nói. Ngành Thuế Hà Nội cũng đã loại bỏ 32 TTHC không còn phù hợp. Cùng với đó, thực hiện khai thuế điện tử, phối hợp với ngân hàng để doanh nghiệp đóng tiền qua mạng. Các chính sách minh bạch về thuế được thực hiện và công khai trên website… đã góp phần tích cực trong việc tiết kiệm thời gian, công sức cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, lượng doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố quá đông, nên lượng công việc là quá nhiều. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm tới thuế và có thói quen đến những ngày cuối cùng mới nộp thuế gây ách tắc, tốn thời gian.
Trong năm 2013, Hà Nội đã tổ chức 10 lần gặp gỡ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất cho doanh nghiệp. Tháng 1 và tháng 2 năm nay, Thành phố cũng đã tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp, Trong năm 2014, Hà Nội sẽ ban hành các chỉ thị, kế hoạch để quyết tâm, cải thiện chỉ số PCI.