Để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, phiên đấu giá chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM sẽ lùi tới ngày 22/9, thay vì ngày 22/7 như dự kiến ban đầu.
Như vậy, việc IPO của một trong những doanh nghiệp nhà nước được không ít nhà đầu tư chờ đợi sẽ gia hạn thêm 2 tháng. Đi tìm câu trả lời cho việc gia hạn này, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, có 2 lý do chính khiến đơn vị này cần thiết phải lùi thời gian IPO.
Thứ hai, mô hình hoạt động của Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt may Việt Nam là đơn vị quản lý phần vốn tại các công ty con và công ty liên kết.
Do vậy, theo ý kiến và nguyện vọng của các nhà đầu tư, việc tìm hiểu, đánh giá tiềm năng và cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của Vinatex cần có thời gian dài hơn so với cổ phiếu của các đơn vị sản xuất, kinh doanh thông thường.
“Để các nhà đầu tư tiềm năng có thời gian tìm hiểu chi tiết, đánh giá sâu sắc hơn khoản đầu tư vào cổ phiếu Vinatex, đem lại thành công cho đợt IPO, đảm bảo lợi ích của cả tổ chức phát hành và các nhà đầu tư, Tập đoàn đã báo cáo Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt may Việt Nam trình và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý gia hạn IPO đến ngày 30/9/2014”, ông Trường cho biết.
Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã đề nghị Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM điều chỉnh lịch IPO của Vinatex, cụ thể: hạn nộp tiền đặt cọc ngày 12/9/2014; tổ chức đấu giá vào ngày 22/9/2014.
Trên thực tế, sau 2 buổi hội thảo giới thiệu cổ phiếu Vinatex trước thềm IPO, nhiều nhà đầu tư là tổ chức và cá nhân cho rằng, nếu giữ nguyên thời gian đăng ký đấu giá (từ 25/6/2014 đến 14/7/2014) và thời gian tổ chức đấu giá (ngày 22/7/2014) sẽ khó cho các nhà đầu tư trong việc tìm hiểu, đánh giá khoản đầu tư cũng như quyết định đầu tư vào cổ phiếu Vinatex, tức là lùi thời gian IPO thì cơ hội thành công sẽ lớn hơn.
Trong ngành dệt may, Vinatex là doanh nghiệp nhà nước, đóng góp khoảng 17% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn đạt 2,9 tỷ USD.
Được đánh giá là ngành không mang lại lợi nhuận cao, song những năm gần đây, ngành dệt may đã có sự bứt phá cả về quy mô, năng lực sản xuất và tăng trưởng xuất khẩu. Dẫu còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, nhân lực, Vinatex vẫn đầu tư mạnh vào các dự án thượng nguồn, sản xuất nguyên phụ liệu.
Bởi vậy, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, Vinatex có tiềm năng phát triển trong dài hạn. Cụ thể, đối với các nhà đầu tư tài chính, cổ phiếu Vinatex sẽ tạo sức hấp dẫn lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Với quy mô vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng (tương đương 500 triệu cổ phiếu), cổ phiếu Vinatex có cơ hội trở thành một cổ phiếu có thanh khoản cao, phù hợp cho các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận từ việc tăng giá chứng khoán, các quỹ đầu tư chỉ số.
Ngành dệt may Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng sẽ tiếp tục có lợi từ thị trường xuất khẩu đang tăng trưởng khả quan. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Mỹ tăng 14,6%, EU tăng 3% và Nhật Bản tăng 33%.
Lợi thế này còn tăng nữa một khi các hiệp định thương mại tự do (FTA), như FTA Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - Hàn Quốc được thông qua trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, việc nhà đầu tư nước ngoài dồn dập đổ vốn vào ngành dệt may Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy, tiềm năng phát triển của ngành này còn rất lớn. Đó cũng là tín hiệu tốt về triển vọng giá cổ phiếu Vinatex trong dài hạn./.