Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. Tổng số cổ phần là 500 triệu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, trong đó, nhà nước nắm 225 triệu cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ. Theo đó, Vinatex sẽ chính thức phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng theo hình thức đấu giá công khai (IPO) vào ngày 22/7 tới.
Tại hội thảo “Cơ hội đầu tư cổ phiếu Tập đoàn Dệt may Việt Nam”, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, việc cổ phần hóa Tập đoàn là bước đi quan trọng trong chiến lược chuyển đổi toàn diện của Tập đoàn, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác cơ hội kinh doanh thích ứng với xu thế phát triển của ngành dệt may thế giới.
Các nhà đầu tư chiến lược sẽ giúp Vinatex hòa nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị dệt may toàn cầu, hoàn thiện dần chuỗi cung ứng sản phẩm khép kín, nâng cao giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm mang thương hiệu của Tập đoàn. Tập đoàn Dệt may Việt Nam khẳng định, đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD và nâng lên 5 tỷ USD trước năm 2020.
“Chiến lược trọng tâm của Vinatex là xây dựng một mô hình sản xuất kiểu mới cũng như thiết lập mô hình tổ chức doanh nghiệp hiệu quả hơn. Trong đó chiến lược quan trọng nhất trong đề án tái cấu trúc của Vinatex là sự kết hợp giữa các đơn vị thành viên liên kết để thiết lập chuỗi cung ứng toàn Tập đoàn theo mô hình tích hợp dọc.
Vinatex cần phải tái cấu trúc, tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, tập trung phát triển thị trường, theo đuổi chiến lược, chuyển đổi mô hình sản xuất nhằm đạt được biên lợi nhuận ngày càng cao hơn. Vinatex đã và đang tích cực đổi mới, tăng cường quản trị, cân nhắc một cách kỹ lưỡng chiến lược đầu tư phù hợp theo mô hình của Tập đoàn”, ông Trường cho biết./.