Dự kiến, ngân hàng sau sáp nhập sẽ nằm trong top 5 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của NHTMCP Hàng Hải (Maritime Bank) diễn ra sáng 19/4 gây sự chú ý của dư luận khi thông tin sáp nhập với Mekong Bank đã chính thức được số đông cổ đông Maritime Bank chấp thuận.

mekongbank_va_maritimebank.jpg
Cổ đông Maritime Bank lo tỷ lệ hoán đổi 1:1 khi sáp nhập họ sẽ bị thiệt thòi (Ảnh: KT)

Sáp nhập với Ngân hàng TMCP Mê Kông (Mekong Bank -MDB) cũng là một trong những nội dung cổ đông “chất vấn” ban lãnh đạo Maritime Bank nhiều nhất. Ủng hộ sáp nhập với ngân hàng nhỏ hơn là Mekong Bank song không ít cổ đông nhà băng này băn khoăn về tỷ lệ hoán đổi 1:1 mà ban lãnh đạo Maritime Bank đưa ra có phần “thiệt” cho cổ đông của ngân hàng này. Theo nhiều đại diện cổ đông, với tỷ lệ hoán đổi 1:1, khi Maritime Bank được định giá là ngân hàng có quy mô và chất lượng tốt hơn MDB thì tỷ lệ này rõ ràng sẽ khiến cổ đông Maritime Bank bị thiệt.

Chia sẻ sự băn khoăn với các cổ đông, song ông Đào Trọng Khanh – Phó Chủ tịch HĐQT Maritime Bank cho hay, về định giá sổ sách thì hai ngân hàng tương đương nhau, con số này tại Maritime Bank là 11.000 tỷ đồng/cổ phiếu thì của MDB là 10.500 đồng/cổ phiếu.

Cũng theo lãnh đạo Maritime Bank, trong thương vụ sáp nhập này cả hai ngân hàng đều tự nguyện tìm hiểu nhau chứ không chịu sự ép buộc nào. MDB tuy là nhà băng nhỏ nhưng chất lượng tài sản lại tốt, nợ xấu kiểm soát ở mức thấp. Hiện cả 2 nhà băng đã hoàn tất bước đầu tiên là tìm hiểu, nghiên cứu và đang tiến hành sang bước thứ 2 là xin phê duyệt nguyên tắc sáp nhập từ phía Ngân hàng Nhà nước.

Dự kiến, ngân hàng sau sáp nhập sẽ nằm trong top 5 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam (hiện tại, vốn điều lệ của Maritimebank là 8.000 tỷ đồng, vốn điều lệ của MDB là 3.750 tỷ đồng) và có mạng lưới lớn thứ 3 trong khối các ngân hàng TMCP mà Nhà nước không nắm cổ phần chi phối với gần 300 điểm trên toàn quốc.

Việc sáp nhập này, theo lãnh đạo Maritimebank, sẽ giúp phát huy thế mạnh, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho cả hai bên và mang lại nhiều lợi ích cộng hưởng cho ngân hàng sau sáp nhập.

Trước sự sụt giảm lớn của cổ tức thời gian gần đây, thậm chí lãi cổ tức thua xa lãi gửi tiết kiệm, nhiều cổ đông tỏ ra “nóng lòng” và cho rằng ban lãnh đạo cần có biện pháp ngay để cổ đông không bị quá thiệt thòi, nhất là 2 năm – 2013 và 2014 Maritime Bank không chia cổ tức cho cổ đông với lý do lợi nhuận giảm. Một cổ đông còn đề xuất thẳng, ngân hàng nên trích 3-5% lợi nhuận để chia cổ tức, dù ít nhưng cũng coi như bù đắp thiệt thòi giá cổ phiếu giảm và "tiếp sức" cho những cổ đông trung thành.

Ngoài ra, để tránh tình trạng lấy lý do lợi nhuận giảm không chia cổ tức, phần lớn đa số cổ đông đều thúc giục, ngân hàng nhanh chóng niêm yết lên sàn chứng khoán. Về điều này, ông Đào Trọng Khanh “hứa”, sau sáp nhập cổ phiếu của ngân hàng có thể sẽ được quan tâm và được giá hơn. Do đó, Maritime Bank sẽ sớm đề xuất phương án niêm yết tại thời điểm phù hợp nhất.

Trước đó, tại ĐHCĐ của MDB tổ chức ngày 15/4 vừa qua, đại đa số cổ đông đã chấp thuận về chủ trương MDB sẽ sáp nhập với Maritime Bank./.