Trao đổi với VOV online, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, lãi suất tiền gửi đã về dưới 7,5% là cơ hội tốt để các NH giảm nhanh lãi suất cho vay. Mặc dù, mỗi khi giảm trần lãi suất thì luôn có độ trễ để NHTM hạch toán, tính toán giá vốn của mình để cho vay.

luong.jpg
Đã có NH cho vay với lãi suất 9-10%/năm (ảnh V.H)

Theo tìm hiểu của TS Trần Hoàng Ngân, hiện nay đã có nhiều ngân hàng cho vay với lãi suất 9-10%. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để dư nợ cho vay ở lãi suất đó phải ở tỷ trọng cao. Điểm nữa, thường thì các NH hay viện lý do DN không thỏa mãn các điều kiện cho vay. Cho nên dư nợ không tăng hoặc tăng ít, trong khi nền kinh tế Việt Nam muốn tăng trưởng được thì phải nhờ vốn, đặc biệt là vốn tín dụng. Chúng ta phải làm nhanh gói hỗ trợ trực tiếp các DN giúp các doanh nghiệp dân doanh, hộ nông dân, các hộ sản xuất tư nhân, cá thể đang gặp khó khăn… “Giải pháp là hình thành những tổ công tác cụ thể để nắm bắt tình hình, giải quyết ngay tức khắc chứ không thể chờ ban hành các chính sách” – TS Ngân nói.

Hiện nay có nhiều yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế và có nhiều yếu tố tác động đến việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, trong đó có chi phí đầu vào, trong chi phí đầu vào có chi phí trả lãi vay, thuế VAT, phí đường bộ, xăng dầu, điện nước… DN phải cân nhắc yếu tố này để có giá thành, giá bán hợp lý. Cái lo lắng của DN hiện nay là ở chỗ làm sao sản xuất được hàng hóa có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Cái khó của DN trong nước phải đương đầu hiện nay nữa là do chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế nên hàng hóa nước ngoài tràn vào với giá cạnh tranh. Trong khi sức cầu trong nước yếu nên hàng hóa sản xuất trong nước khó bán. Theo TS Ngân, “Nếu DN bán được hàng thì đâu cần phải vay tiền của NH nữa. Đây là bài toán rất khó khăn”.

Còn theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, tín dụng ngân hàng 3 tháng đầu năm vẫn chưa nhiều cải thiện đang là thách thức lớn của nền kinh tế.

Thanh khoản ngân hàng tiếp tục duy trì ổn định và mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm theo sát diễn biến của lạm phát mặc dù vẫn chưa như mong đợi của các doanh nghiệp. Lãi suất thị trường liên ngân hàng khá thấp và giảm nhẹ so với đầu năm; các lãi suất chủ chốt cũng giảm (lãi suất tái cấp vốn giảm còn 8%, lãi suất tái chiết khấu còn 6%) và trần lãi suất tiền gửi giảm còn 7,5%.

Tuy nhiên, vốntín dụng vào khu vực sản xuất vẫn chưa có nhiều cải thiện so với cuối năm ngoái phản ánh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Biểu hiện là: tính đến ngày 21/3/2013, tín dụng chỉ tăng 0,03% trong khi huy động tăng 3,86% so với 31/12/2012; Trái phiếu chính phủ vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn đối với các TCTD khi lợi suất ở mức hấp dẫn và rủi ro giảm. Trên thị trường sơ cấp, khối lượng trái phiếu chính phủ huy động lớn  và tỷ lệ đấu thầu thành công cao.

“Vấn đề nợ xấu một khi chưa được khắc phục cơ bản sẽ vẫn là một trong những trở ngại lớn cho việc tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 12% vẫn đối mặt với thách thức lớn” - Ủy ban này nhận định.

NHNN nên cấp vốn cho NHTM?

Theo quan điểm của chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, NHNN nên thực hiện vai trò Ngân hàng Trung ương để điều tiết lưu lượng tiền tệ, cung ứng đầy đủ tín dụng cho nền kinh tế phát triển ổn định, góp phần “Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”.

Phương án được ông Bùi Kiến Thành đưa ra là sẽ không dựa vào vốn huy động của hệ thống ngân hàng với lãi suất cao mà NHNN có thể cho NHTM vay theo lãi suất do NHNN quy định, có thể là 3-4-5% để NHTM cho doanh nghiệp vay với lãi suất dưới 10%. Không phải chờ NHTM hạ lãi suất huy động và giải quyết thanh khoản từ nguồn vốn trong nhân dân. Thanh khoản là do từ nguồn tín dụng của NHNN. 

Cũng cần phải nói rõ là NHNN không “cấp vốn” cho NHTM kiểu cho không, hay “hỗ trợ lãi suất 4%” như năm 2009. NHNN chỉ cho NHTM vay với lãi suất thấp, và NHTM có trách nhiệm trả lãi và hoàn trả cho NHNN số tiền đã được NHNN cho vay theo quy định.

Hạ lãi suất cho vay là cần thiết đối với DN trong tình hình hiện nay. Theo quan điểm của ông Thành, lãi suất cao chính là loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khủng khiếp nhất đối với DN. Không có DN nào có thể làm ăn có lãi, cạnh tranh được với mức lãi suất trên 10%.

Tìm hiểu rõ hơn về đề xuất của ông Bùi Kiến Thành, TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, quan điểm này có phần đúng nhưng trong bối cảnh Việt Nam rất khó thực hiện. Vì mục tiêu mà Chính phủ giao NHTW phải kiềm chế lạm phát và đảm bảo tăng trưởng nên phải có sự dung hòa. “Vì mục tiêu của mình đa dạng quá, vừa phải lo kiềm chế lạm phát thấp hơn mà tăng trưởng GDP phải cao hơn. Đó là mục tiêu vô cùng khó khăn và rất khó thực hiện được. Như vậy, đặt NHTW rất khó. Điểm nữa, là bản thân các NHTM hiện nay đang tái cơ cấu, các NH tốt, kém, xấu vẫn đang còn lẫn lộn mà chưa đánh giá được. Lỡ khoản tiền đó vào NH xấu làm mất mát thì sao. Còn nếu có sự lựa chọn A hay B mà C không được chọn thì xã hội lại cho rằng NH C này là xấu?” – ông Trần Hoàng Ngân đưa ra băn khoăn của mình.

Ông Ngân ví NHTW như là trái tim, hệ thống NHTM là mạch máu. Hiện nay, trong hệ thống mạch có những chỗ bị xơ cứng mà chưa có công bố cụ thể chỗ nào nên làm cho khu vực đó bị nghẽn. “Điều quan trọng là phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và sắp xếp hệ thống NH thì lúc đó mới triển khai được ý đồ của NHTW được. Với thực trạng như hiện nay, cái mình muốn và việc triển khai đang gặp khó khăn” – ông Ngân nói./.