Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, riêng trong tháng 10/2019, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng đã tiếp nhận 692 cuộc gọi đến, trong đó có 367 cuộc gọi được ghi nhận dưới dạng phản ánh, đề nghị của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Cục đã tiếp nhận 57 khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng.

Đáng chú ý, nhóm hàng hóa, dịch vụ có tỷ lệ khiếu nại nhiều nhất trong tháng 10 vẫn tiếp tục là tài chính, bảo hiểm, ngân hàng với tỷ lệ chiếm 32%, tiếp đến là y tế và chăm sóc sức khỏe (tỷ lệ 28%). Hai nhóm hàng hóa dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển và đồ điện tử gia dụng cùng chiếm tỷ lệ 10%.

Cũng trong tháng 10, nội dung khiếu nại/yêu cầu của người tiêu dùng tập trung chủ yếu vào 3 nhóm nội dung chính, bao gồm 32% đơn khiếu nại/yêu cầu của người tiêu dùng phản ánh về việc doanh nghiệp cung cấp thông tin không chính xác, gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là các điều kiện giao dịch, ví dụ như chính sách đổi trả hàng hóa, về mức lãi suất, về thủ tục thanh lý hợp đồng trước hạn trong hợp đồng vay…  

1_114248_zedy.jpg
Người tiêu dùng vẫn chưa hài lòng với chính sách đổi trả hàng hóa tại một số doanh nghiệp.

Nhiều người tiêu dùng do không để ý đến nội dung hợp đồng, chỉ nghe theo nội dung tư vấn của nhân viên nên đã ký hợp đồng. Đối với các trường hợp tranh chấp như vậy, khi giải quyết, việc căn cứ theo nội dung hợp đồng đã ký kết thường mang lại bất lợi cho người tiêu dùng.

Trong tháng 10 có 22% đơn khiếu nại/yêu cầu của người tiêu dùng phản ánh về hợp đồng ký kết có các điều khoản không rõ ràng. 20% đơn khiếu nại/yêu cầu của người tiêu dùng phản ánh về việc thông tin liên hệ của mình bị đơn vị thu hồi nợ tự động sử dụng để gọi điện, nhắn tin với mục đích quấy rối, đe dọa thu nợ, ngay cả trong trường hợp người tiêu dùng không có khoản vay tại đơn vị liên quan. Nhiều trường hợp người tiêu dùng đã liên hệ đề nghị đơn vị liên quan xác minh và chấm dứt việc thu nợ nhầm nhưng không được giải quyết triệt để.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, đối với các phản ánh gửi qua Tổng đài, Cục đã hướng dẫn để người tiêu dùng hoàn thiện hồ sơ khiếu nại và gửi tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hoặc cơ quan, tổ chức liên quan để được tiếp nhận và hỗ trợ giải quyết.

Đối với các khiếu nại gửi tới Cục, tính đến hết ngày 31/10, Cục đã hỗ trợ giải quyết thành công hoặc chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý 55 vụ việc trong tổng số 67 vụ việc khiếu nại (chiếm khoảng 82%). Số lượng khiếu nại còn lại đang được Cục phối hợp với các cơ quan liên quan, doanh nghiệp và người tiêu dùng để giải quyết.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận thấy, trong giai đoạn cuối tháng 9 và tháng 10, xu hướng gia tăng các khiếu nại liên quan đến việc mua bộ mỹ phẩm chăm sóc da mặt (có giá trị lớn) qua hình thức vay trả góp tại ngân hàng. Nhiều người tiêu dùng khiếu nại về hành vi cung cấp thông tin trong quá trình giới thiệu bộ mỹ phẩm và quá trình tư vấn, cung cấp dịch vụ cho vay trả góp của ngân hàng.  

Để tránh những tranh chấp phát sinh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng cần tham khảo thông tin về công ty cung cấp, chất lượng sản phẩm chăm sóc da mặt. Cụ thể, tra cứu thông tin về bộ sản phẩm, về hoạt động của công ty liên quan trên Internet hoặc hỏi thông tin qua người thân, bạn bè... trước khi quyết định mua.

Trong trường hợp quyết định mua, cần đọc kỹ hợp đồng mua hàng và hợp đồng trả góp, đặc biệt là những điều khoản liên quan đến chính sách đổi trả, đến lãi vay và vấn đề thanh lý hợp đồng vay trước hạn. Trong trường hợp được nhân viên hối thúc hoặc có biểu hiện ngăn cản, không cho đọc kỹ nội dung các điều khoản của hợp đồng, người tiêu dùng cần cẩn trọng, kiên quyết từ chối ký hợp đồng./.