Theo báo cáo của Chính phủ, từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp. Một số lĩnh vực liên quan đến môi trường, đất nông, lâm trường, quyền của người mua nhà ở một số dự án trái phép tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm nóng về khiếu nại, tố cáo.

Trao đổi với phóng viên VOV, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng khiếu nại, tố cáo của công dân diễn biến phức tạp, trong đó có nguyên nhân là người đứng đầu né tránh hoặc không thực tâm giải quyết dứt điểm các vụ việc. 

ong_diep_ceaf.jpg
Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp. Ảnh: Hà Khánh - VOV TPHCM

PV: Thưa ông, theo báo cáocủa Chính phủ tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp. Ông có thể nói rõ hơn tình hình thực tế ?

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Tình hình khiếu nại tố cáo đông người vẫn diễn ra phức tạp, biểu hiện ở chỗ nhiều đoàn đông người, nhiều vụ việc, nhiều công dân kéo tới trụ sở các cơ quan nhà nước cả địa phương và Trung ương với các băng rôn, khẩu hiệu, gây mất an ninh trật tự. Ở 1 số nơi, người dân sẵn sàng cản trở các hoạt động thi công của các dự án…. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 3/2019, khi tổ công tác của Thủ tướng thành lập do  Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đứng đầu đi vào hoạt động thì tình hình an ninh trật tự và công tác tiếp công dân, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này đã có chuyển biến rõ rệt.

Ví dụ như khi tổ công tác của Chính phủ làm việc tại Hải Dương thì Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã nhận với tổ công tác sẽ trực tiếp cùng Chủ tịch tỉnh Hải Dương giải quyết một số vụ việc cụ thể. Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình có trao đổi với tôi và đề nghị Ban tiếp công dân Trung ương hỗ trợ cho địa phương giải quyết một vụ việc kéo dài gần 30 năm. Có thể nói, đây là ý thức và trách nhiệm rất đáng quý và có thể khẳng định được rằng, nếu cứ như thế này thì tình hình sẽ diễn ra theo chiều hướng tốt hơn. Tôi đánh giá rằng, trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là Bí thư cấp ủy và Chủ tịch được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức được rằng, vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ nếu không làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết tố cáo.

PV: Qua chia sẻ của ông có thể thấy rằng, với sự chỉ đạo rất sát sao, sự vào cuộc quyết liệt của cả địa phương cho nên việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân đã có những chuyển biến rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều người dân chia sẻ, khi họ cần tiếp xúc với các cơ quan chức năng ở địa phương thường không dễ, thậm chí chính quyền né tránh nên bắt buộc người ta phải vượt cấp?

Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp với bà con Thủ Thiêm. Ảnh: Hà Khánh-VOV TPHCM

Ông Nguyễn Hồng Điệp:Thực ra không phải là cán bộ tiếp dân né tránh công dân mà quan trọng nhất là người đứng đầu né tránh, giao cho cấp phó hoặc không trực tiếp đối thoại với người dân mà phải qua cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp dân. Thứ nhất, người dân cảm thấy thiếu sự tôn trọng của người đứng đầu, người trực tiếp giải quyết.

Thứ hai người dân không chỉ muốn thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình mà còn muốn kiến nghị với người đứng đầu vì liên quan đến việc hoạch định chính sách và xây dựng chính quyền thì ông lại không lắng nghe.

Theo tôi, qua nhiều vụ việc khiếu kiện đông người cho thấy, thiếu sự đối thoại ngay từ cơ sở với người có trách nhiệm. Họ không đối thoại ngay từ cơ sở dẫn đến việc người dân bức xúc, hoặc là đối thoại nhưng không giải quyết, tiếp rồi ghi nhận rồi nhưng không giải quyết hoặc giải quyết không kịp thời, người dân vượt cấp là đương nhiên.

PV: Vậy theo ông, ngoài trách nhiệm của người đứng đầu, có hay không chuyện cán bộ, công chức năng lực trình độ còn hạn chế, thiếu khách quan, thiếu vô tư ngay từ khâu tiếp nhận, xử lý đơn thư, thậm chí có chuyện tiêu cực của cán bộ tiếp công dân?

Ông Nguyễn Hồng Điệp:Tôi có thể khẳng định, người dân nói là có cơ sở. Vì chỉ người dân đánh giá được chính xác nhất cán bộ trực tiếp tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì người dân biết ngay là ông có trình độ hay không, ông có vô tư, khách quan hay không, trong quá trình tiếp dân thì có hướng dẫn tận tình hay không hoặc là có dám đủ bản lĩnh để kiến nghị điều mà người dân khiếu nại, tố cáo lên cấp trên của mình không? kiến nghị xong có bền bỉ đeo bám việc đấy với thủ trưởng hay không?....

Chính vì vậy, nên trong tất cả các đánh giá, chúng tôi có đề cập đến chất lượng giải quyết ban đầu thấp nên việc khiếu nại của người dân tiếp tục kéo dài và có những việc do chất lượng giải quyết ban đầu thấp đến mức khó xử lý xong, kể cả các cơ quan trung ương vào cuộc thì sự đã rồi, bây giờ sửa sai rất khó. Cho nên phần tiêu cực thì không thể nói là không có, đã có một số cán bộ bị xử lý rồi. Trách nhiệm của người đứng đầu ở đây là trách nhiệm của người cán bộ, người công bộc, người phục vụ chứ không phải trách nhiệm của người cai trị. Trách nhiệm của anh phải luôn luôn thường trực ở bên mình, dứt khoát là mình phải làm việc đó cho dân. Việc của dân là việc mình phải làm.

Nếu địa phương nào, cấp cơ sở hay kể cả cấp tỉnh mà giải quyết không dứt điểm các vụ khiếu nại thì ta nên thay thế người đứng đầu. Để cho những người thực tâm, có trình độ chuyên môn, có quan điểm quần chúng làm và coi những việc đó là việc hàng ngày của mình chứ đừng để Thủ tướng thành lập tổ công tác hay Quốc hội giám sát thì mới làm mà đấy phải là việc làm hàng ngày, thường xuyên, khi xảy ra rồi không phải chờ đến luật tiếp dân, không phải chờ đến ngày tiếp dân mà khi xảy ra bức xúc ở cơ sở thì cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền phải xuống tận nơi, phải đối thoại với người dân thì dân mới hiểu, người dân mới đồng thuận, người dân mới ủng hộ.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông !