Luật Đầu tư 2014 được coi là một trong những đạo luật tiên tiến và có tinh thần cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực thi, các quy định của luật không chỉ gây ra sự chồng chéo, mâu thuẫn với hệ thống pháp luật về kinh doanh, đầu tư mà còn tạo rào cản cho rất nhiều hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư và không đảm bảo được mục tiêu quản lý nhà nước.
Có nên bỏ luật?
Luật Đầu tư 2014 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2015. Sau hơn một năm thực thi, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu rà soát Luật Đầu tư, luật này có nhiều nội dung trùng lắp, mâu thuẫn với các đạo luật khác như: Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ…
Một trong những ví dụ điển hình nhất được các chuyên gia dẫn ra là quy định về thủ tục đăng ký, thẩm tra đầu tư. Mục tiêu của quy định này không rõ ràng. Cụ thể, muốn triển khai một dự án đầu tư, tùy theo tính chất, quy mô nhà đầu tư phải làm thủ tục đăng ký hoặc thẩm tra đầu tư để được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó, nhà đầu tư phải giải trình hàng loạt vấn đề như về sử dụng đất đai; xây dựng; xử lý môi trường…
Quy định về thủ tục đăng ký, thẩm tra đầu tư trong Luật Đầu tư vẫn đang là rào cản rất lớn đối với doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo Luật sư Ngô Việt Hòa, đại diện Công ty General Motor, Luật Đầu tư đang khiến hệ thống pháp luật về kinh doanh tại Việt Nam trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Do đó, vị Luật sư này kiến nghị nên bỏ hẳn Luật Đầu tư.
“Tất cả các dự án muốn hoạt động đằng sau nó phải là một doanh nghiệp, nghĩa là nhà đầu tư phải thành lập doanh nghiệp để vận hành dự án. Rõ ràng pháp luật chỉ cần điều chỉnh để doanh nghiệp thực hiện các quyền, nghĩa theo quy định pháp luật, không cần phải với đến các nhà đầu tư. Nhà đầu tư khi thành lập doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện, nhưng sau khi thành lập doanh nghiệp chỉ cần nhắm vào tổ chức kinh tế và điều chỉnh hoạt động của tổ chức kinh tế, thay vì quy định về nhà đầu tư vì nhà đầu tư không còn vai trò gì nữa”, Luật sư Ngô Việt Hòa phân tích.
Cũng có ý kiến cho rằng, Luật Đầu tư nước ngoài ban hành năm 1987 và sửa đổi, bổ sung vào các năm 1990, 1992, 1996, 2000 và 2014 với những nội dung cởi mở, thân thiện với các nhà đầu tư đã giúp Việt Nam ổn định và phát triển kinh tế.
Do đó, nếu bỏ Luật Đầu tư là sẽ xóa bỏ đi những thành quả mà luật mang lại, đặc biệt khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập, Chính phủ sẽ phải thắt chặt hơn về mặt quản lý cũng như tạo sân chơi bình đẳng hơn giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, vẫn cần Luật Đầu tư, vù các luật, các quy định pháp lý có điểm này điểm kia cũng liên quan tới đầu tư nhưng có những khía cạnh rất quan trọng để một nhà đầu tư nắm bắt rõ ràng, ví dụ như quyền được đầu tư, lĩnh vực đầu tư, hỗ trợ đầu tư, bảo hộ đầu tư…
“Trong sự phát triển chung cần rà soát lại Luật Đầu tư để gắn với rất nhiều pháp luật khác. Trong sự phát triển mới, cần phải xem xét như đầu tư tài chính, sáp nhập - thâu tóm doanh nghiệp, hay là những lĩnh vực mới liên quan tới sự phát triển công nghệ, những đầu tư, kinh doanh trong không gian mạng”, TS. Võ Trí Thành cho biết.
Còn theo GSTS. Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, không thể giữ nguyên Luật Đầu tư 2014 nhưng cũng không nên bỏ hẳn luật này mà nên đưa một số nội dung của Luật Đầu tư vào Luật Doanh nghiệp, viết lại theo một tư duy khác trên cơ sở nâng cao hiệu quả về quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
“Luật Doanh nghiệp đã cải thiện rất nhiều và liên kết được các thành phần kinh tế, các chủ sở hữu khác nhau và cải tiến rất nhiều thì có thể gộp hai luật đó thành một. Không phải bỏ Luật Đầu tư để doanh nghiệp chỉ thực hiện đăng ký kinh doanh và đầu tư, nhiều người cho rằng nên gộp Luật Đầu tư vào Luật Doanh nghiệp để cho gọn nhẹ và dễ thực hiện”, GSTS. Nguyễn Quang Thái cho biết.
Kéo gần khoảng cách giữa luật và thực thi
Về phía cơ quan chủ trì soạn thảo luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động rà soát, đánh giá sự cần thiết, tính hợp lý và hiệu quả của các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Kết quả rà soát cho thấy, có nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, tạo chi phí tuân thủ lớn, hạn chế gia nhập thị trường của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng cho biết, đã có một số ý kiến phàn nàn vì người dân và nhà đầu tư phải mất quá nhiều thủ tục mới đủ điều kiện đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ghi nhận ý kiến này để về nghiên cứu và tham mưu cho các cấp có thẩm quyền.
“Chưa thể thỏa mãn được với những quy định hiện tại vì cũng có những điểm không phải do luật mà là khoảng cách giữa luật và thực thi. Nếu lỗi là do thực thi sẽ phải xem xét lại phần thực thi. Còn phần nào của luật đi vào cuộc sống chưa tốt thì phải sửa luật”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhận xét.
Các chuyên gia khẳng định, một đạo luật dù mới được ban hành và được đánh giá là tiên tiến, song khi đi vào thực tiễn, bị phát hiện có quá nhiều điểm trùng lắp và bất cập thì cũng cần xem xét lại tính cần thiết của đạo luật đó.
Bên cạnh đó, cần rà soát lại các luật về đầu tư, kinh doanh để phát hiện những điểm bất hợp lý và còn chưa tương thích để điều chỉnh, nếu không cần thiết thì bãi bỏ để phục vụ sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp./.