Sau 10 năm thực thi, Luật ngân sách nhà nước (NSNN) đã bộc lộ một số bất cập: Hệ thống NSNN mang tính lồng ghép, dẫn đến thẩm quyền giữa các cấp chồng chéo; Quy trình ngân sách phức tạp; Phạm vi thu - chi NSNN chưa rõ ràng; Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách chưa phù hợp; Căn cứ xây dựng dự toán NSNN chưa đầy đủ, chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ đầu ra; Quy định về trách nhiệm giải trình trước các cơ quan dân cử chưa cụ thể; Công khai, minh bạch trong quản lý NSNN chưa phù hợp với thông lệ quốc tế…
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cho rằng cần thiết phải sửa những bất cập của Luật ngân sách hiện hành. Cùng với các Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật ngân sách nằm trong nhóm các luật pháp liên quan đến thể chế tài chính công. Trong đó Luật Ngân sách Nhà nước đóng vai trò chủ đạo để cải cách nền tài chính công.
Phân tích rõ những tồn tại trong việc điều hành ngân sách hiện nay, đại biểu Trần Du Lịch nói: “Thứ nhất, chúng ta duy trì quá lâu việc lồng ghép Ngân sách nhà nước trung ương và địa phương. Hệ quả là tạo ra sự không minh bạch giữa trung ương và địa phương. Tạo cơ chế xin cho tồn tại quá lâu và thiếu minh bạch”.
Thứ 2, kỷ luật Ngân sách, theo đại biểu Trần Du Lịch, ngân sách Việt Nam là ngân sách mềm đến mức độ tùy tiện, tồn tại quá nhiều quỹ ghi thu - ghi chi, thu vượt thì chi vượt, có khoản cho ai vay không biết nhưng trả nợ thì trình Quốc hội. “Chúng ta sử dụng ngân sách mềm đến mức thiếu kỷ cương. Chúng ta sử dụng tiền thuế của dân không hiệu quả” – đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Tồn tại thứ ba được ông Trần Du Lịch chỉ ra là tính tự chủ của địa phương không có. Địa phương không biết cái gì của mình, Hội đồng Nhân dân không biết quyết cái gì và chủ yếu quyết cái người ta đã quyết; Không khai thác nguồn thu và sử dụng hiệu quả chi.
Và cuối cùng là thụ động trong quy trình thiết lập ngân sách, kiểm soát ngân sách.
Vậy có thể giải quyết được các tồn tại này không? Trả lời câu hỏi này, Đại biểu Trần Du Lịch khẳng định: “Được nhưng vấn đề là chúng ta muốn cải cách hay không. Chính phủ đã cố gắng cải tiến 4 vấn đề đó nhưng để đổi mới mạnh mẽ thì chưa đạt yêu cầu”.
Theo đại biểu Trần Du Lịch, việc đầu tiên là chúng ta phải minh bạch các điều khoản của ngân sách Trung ương và địa phương. Cái gì của địa phương thì Hội đồng nhân dân quyết và chịu trách nhiệm, cái gì của Trung ương thì Quốc hội chịu trách nhiệm. Đây là cơ chế trách nhiệm giám sát.
Ví dụ, cần quyết định rõ nguồn thu địa phương, khoản chi cho địa phương này là cố định và ổn định trong 5 năm để địa phương biết rõ. Phần do Trung ương hỗ trợ địa phương thì Quốc hội phải giám sát.
Vẫn thông qua Ngân sách hàng năm là nghị quyết nhưng thành 2 bước.
Bước 1 kỳ giữa năm, Quốc hội thảo luận phần phân bổ ngân sách, minh bạch trước Quốc hội, sau đó Chính phủ cùng Uỷ ban tài chính ngân sách phân bổ vào đúng khuôn mẫu mà Quốc hội quyết.
Quốc hội cuối năm nhìn khuôn mẫu đó, nếu đúng thì thông qua, cái nào không đúng thì "bốc" ra ngoài. Nếu cần tăng chi thì cần có dự toán.
“Nếu là được như vậy sẽ từng bước minh bạch rõ ràng, khuyến khích các địa phương nâng phần chủ động tăng thu ngân sách” – ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm này, Đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) cũng khẳng định: Kỷ luật tài chính còn chưa nghiêm, vẫn còn sử dụng ngân sách kém hiệu quả, lãng phí, thất thoát. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội ban hành Luật Ngân sách thường niên thay cho Nghị quyết ngân sách hàng năm, để nâng cao tính pháp lý và tăng kỷ luật tài chính.
Làm rõ hơn quy trình xem xét quyết định NSNN, đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng, thực tế, việc lập dự toán NSNN được bắt đầu từ ngày 15/5 hàng năm, trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm. Tại đây các Đại biểu góp ý nhiều nội dung về cơ cấu lại thu, chi, điều chỉnh bội chi, nhưng việc tiếp thu khó khăn, vì thời gian ngắn với dự án NSNN và phân bổ NS trung ương thì rất khó điều chỉnh. Vì vậy, để đảm bảo thực quyền Quốc hội, đề nghị xem xét quyết định ngân sách vào 2 lần trong năm. Vào kỳ giữa năm (20/5), Quốc hội sẽ quyết định khung ngân sách, sẽ xem xét tổng thu, tổng chi, định hướng ưu tiên một số ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, cuối năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội dự toán thu chi chính thức và phương án phân bổ ngân sách trung ương cụ thể để Quốc hội quyết định.
Tăng thu phải nộp về Trung ương, sẽ hạn chế thu?
Về qui định: Trường hợp đặc biệt có phát sinh nguồn thu mới làm ngân sách địa phương tăng thu lớn thì số tăng thu phải nộp về ngân sách cấp trên”, theo đại biểu Vũ Chí Thực (đoàn Quảng Ninh), là không hợp lý. Điều này sẽ không khuyến khích các địa phương tăng thu và nguyên tắc này không rõ ràng.
Mặt khác, theo đại biểu Vũ Chí Thực, khi có phát sinh tăng thu, địa phương đã xây dựng kế hoạch để điều hành chi cho phù hợp đảm bảo tiến độ chi và hiệu quả chi NSNN, nếu chờ đến cuối năm mới tổng hợp số tăng thu và xây dựng kế hoạch chi thì vẫn không giải quyết được tình trạng dồn giải ngân vào cuối năm. Nếu lập trước dự toán nguồn thu tăng nhưng không thực hiện được dự toán thì sẽ mất cân đối ngân sách cấp dưới do đã phải nộp trước về ngân sách cấp trên. Trên thực tế thì đối với nguồn thu cũ thì khó có việc tăng thu lớn, đột biến; trường hợp phát sinh nguồn thu mới thì Trung ương đã quy định ngay tỷ lệ điều tiết khi ban hành chính sách thu và như vậy thì tỷ lệ điều tiết về ngân sách TW cũng đã được tính toán cân đối với dự báo nguồn thu rồi.
Cũng cho ý kiến về thu ngân sách, Đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng, thu xổ số và thu sử dụng đất phải hạch toán và thu cân đối ngân sách, không sử dụng 2 nguồn thu này để tính tỷ lệ điều tiết và thu bổ sung.
Với lệ phí, là khoản thu của Nhà nước thì đưa vào khoản thu của NSNN. Với phí, cần phân biệt 2 loại: Phí nào do Nhà nước đầu tư, cơ quan nhà nước đảm nhận thì đưa vào thu ngân sách và chi cho bộ máy thực hiện lĩnh vực này, hạch toán vào chi ngân sách để đúng với thực tế. Đối với phí mà bản chất là giá dịch vụ thì đề nghị không đưa vào ngân sách Nhà nước, điều chỉnh theo Pháp lệnh giá nếu cần điều chỉnh.
Về hoàn thuế GTGT, đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng, không đưa vào chi NSNN, mà khấu trừ từ thu thuế XNK. Việc hoàn thuế không chỉ với XNK mà còn hoàn thuế với đầu tư trong nội địa, vì vậy khấu vào thuế XNK là phản ánh không chính xác. “Theo đó, để phản ánh thực thu thực chi, khoản thu XNK hạch toán vào thu ngân sách, khoản chi hoàn thuế phải hạch toán vào chi NSNN” – đại biểu Bùi Đức Thụ nói.
Về chi ngân sách, ông Bùi Đức Thụ đồng ý loại bỏ chi trả nợ gốc để tránh hạch toán trùng giữa các năm. Chi từ nguồn phát hành TPCP, công trái quốc gia để ngoài NSNN để phản ánh đúng thực chi, để tính toán chính xác bội chi.
Đối với khoản vay về cho vay lại, theo đại biểu Bùi Đức Thụ, cần phân biệt loại vay về cho vay lại, nhưng có khả năng thu hồi thì đưa ra khỏi NS hạch toán lại theo kênh tín dụng Nhà nước. Đối với khoản chi từ nguồn này không có khả năng thu hồi thì hạch toán vào chi để tính bội chi NSNN./.