Ở huyện biên giới Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có một dự án xây dựng lò giết mổ gia súc tập trung với số vốn lên tới 24 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Giai đoạn 1 của dự án đã tiêu tốn 5 tỷ đồng rồi bỏ hoang, nay tiếp tục đầu tư thêm 19 tỷ đồng nữa, với công suất giết mổ chỉ 118 con gia súc mỗi ngày.

lo_mo_2_jxcl.jpgLò mổ

Sau nhiều lần hỏi thăm đường, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Lò giết mổ gia súc tập trung do Ủy ban Nhân dân huyện Ngọc Hồi đầu tư xây dựng tại thôn 4 thị trấn Plei Kần.

Nằm giữa các lô cao su, khu giết mổ gia súc gồm 2 dãy chuồng với khoảng 10 ngăn, vừa để nhốt gia súc vừa làm nơi giết mổ. Bên cạnh đó, còn 2 phòng nhỏ xây dựng đơn giản, nhà vệ sinh, bồn nước và tất cả đều trong tình trạng bỏ hoang. Do công trình không có hàng rào ngăn cách với bên ngoài nên thành điểm tập kết của đối tượng xấu, nghiện ngập trên địa bàn. Với tiền công 1,5 triệu đồng/tháng, anh Nguyễn Hồng Hải, người nhận bảo vệ khu giết mổ gia súc này từ 10 tháng nay cho biết: “Công trình đây là công trình lò mổ tập trung của huyện Ngọc Hồi. Dự án đây chờ đường, điện nữa. Ở đây trộm cắp, xì ke, ma túy nghiện ngập rồi trẻ con nó hay vào đây nghịch phá rất là nhiều. Rất là lo. Lo vấn đề mất vật tư, thiết bị xây dựng ở lò mổ này”.

Nguyên nhân khiến lò giết mổ gia súc tập trung của huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum sau gần 2 năm hoàn thành mà chưa thể hoạt động là do chưa có điện, đường vào khó khăn, nước thì thiếu.

Để “giải cứu” công trình gần 5 tỷ đồng này, Ủy ban Nhân dân huyện tiếp tục trích ngân sách 14 tỷ đồng để làm con đường rộng tới 20 mét dẫn vào lò giết mổ. Đồng thời, chi thêm 4 tỷ đồng để kéo điện vào. Thế nhưng, “siêu dự án” gần 24 tỷ đồng để giết 118 con gia súc một ngày vẫn đang đứng trước nguy cơ “ế hàng” do không nhận được sự ủng hộ của những người làm nghề này.

Chị Trịnh Thị Quý, một người bán thịt lợn tại chợ thị trấn Plei Kần, nói: “Trước khi xây lò mổ lẽ ra là phải họp dân nhưng trên thực tế họ không họp. Xây như thế cũng không thể áp dụng được bởi vì dân ở đây mổ tràn lan”.

Dư luận đặt câu hỏi, không hiểu sao ở một huyện biên giới nghèo như Ngọc Hồi - Kon Tum, dân số ít, mức tiêu thụ hạn chế lại có thể đầu tư đến 24 tỷ đồng để xây dựng lò giết mổ tập trung? Phải có người chịu trách nhiệm việc sử dụng ngân sách Nhà nước không hiệu quả, gây lãng phí như vậy./.