Liên quan đến sự cố mất điện hệ thống điều hành bay của sân bay Tân Sơn Nhất hồi 11h5’ phút ngày 20/11, trao đổi trên evn.com.vn, ông Phạm Quốc Bảo, Phó GTĐ Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVN HCMC) cho biết, thời điểm xảy ra sự cố, lưới điện trên toàn bộ khu vực cung cấp cho sân bay Tân Sơn Nhất nói riêng, toàn bộ TP HCM nói chung vẫn được đảm bảo an toàn tuyệt đối, không có chuyện cắt điện theo kế hoạch hay gián đoạn cấp điện do bất kỳ sự cố nào về nguồn hay lưới.

Sự cố không có lỗi của ngành điện

Ông Phạm Quốc Bảo khẳng định: Tại thời điểm ACC Hồ Chí Minh mất năng lực kiểm soát, điều hành bay thì hệ thống điện lưới được cung cấp bởi EVN HCMC vẫn hoàn toàn ổn định. Vấn đề là sự cố tại UPS - theo giải thích của lãng đạo Cục Hàng không Việt Nam, tức là UPS bị “chết” và không thể đưa điện vào thiết bị ở đài kiểm soát không lưu.

Về phía ngành điện, để làm rõ hơn trách nhiệm của mình trong vấn đề này, EVN HCMC đã có văn bản cụ thể gửi Thành ủy, UBND TP HCM và các bên liên quan. Theo đó, EVN HCMC khẳng định: EVN HCMC nói riêng, ngành Điện nói chung không có lỗi hay liên đới trách nhiệm trong sự kiện này. Ngành Điện đã, đang, và sẽ luôn nỗ lực hết mình để đảm bảo nguồn điện ổn định, tin cậy cho mọi hoạt động của sản xuất và đời sống trên địa bàn TP HCM.

kiemsoatvienkhongluu_gxko.jpgLần đầu tiên Đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất mất điện (Ảnh minh họa: KT)
Không báo cáo sự cố với ICAO

Trao đổi với Thanh niên Online chiều 25/11, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục không có nghĩa vụ phải báo cáo sự cố mất điện dẫn đến mất quyền điều hành bay ở sân bay Tân Sơn Nhất lên Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

“Đây chỉ là sự cố nghiêm trọng về kỹ thuật chứ chưa xảy ra tại nạn nghiêm trọng. Việc điều hành bay vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Do đó theo quy định không phải báo cáo cho ICAO”, ông Thanh nói.

Ông Thanh cho biết trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam là phải tìm hướng khắc phục sự cố chứ không phải là báo cáo với ICAO.

Vi phạm Luật Hàng không dân dụng

Về hình thức xử lý, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng, Đoàn luật sư TP HCM khi trao đổi trên Đời sống Pháp luật đã cho rằng: “Để có cơ sở xử lý, trước hết tổ điều tra phải xác định được sự cố này xảy ra thuộc trách nhiệm cá nhân, bộ phận nào, do lỗi cố ý hay vô ý.

Theo Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, sự cố này có dấu hiệu vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại điều 12 Luật Hàng không Dân dụng: Làm hư hỏng hệ thống tín hiệu, trang bị, thiết bị, đài, trạm thông tin, điều hành bay, các trang bị, thiết bị khác tại cảng hàng không, sân bay hoặc điều khiển, đưa các phương tiện mặt đất không đáp ứng điều kiện kỹ thuật vào khai thác tại khu bay và đe dọa, uy hiếp an toàn bay, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác trong tàu bay.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng cũng cho biết, để xảy ra sự cố này, công ty cung cấp dịch vụ không lưu đã vi phạm nghĩa vụ quy định tại điều 98 Luật Hàng không Dân dụng và Quy chế Không lưu Hàng không Dân dụng do Bộ GTVT ban hành.

Theo đó, trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu đơn vị, kế đến là những cán bộ phụ trách kỹ thuật của kíp trực hôm xảy ra sự cố. “Tôi nghĩ đây là một sự cố nghiêm trọng, nên cần có hình thức xử lý kỷ luật tương xứng đối với những cán bộ liên quan”, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng cho hay./.