Ông Võ Văn Thạnh, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú cho biết, hơn 5 năm trước, Hợp tác xã (HTX) được thành lập với 538 thành viên với tổng diện tích sản xuất lúa hơn 600 ha. HTX đã ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ. Chỉ trong 4 năm qua, tổng diện tích ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa đạt hơn 3.900 ha, với sản lượng cung ứng 29.500 tấn, trong đó chủ yếu là lúa đặc sản chất lượng cao, giúp việc tiêu thụ luôn đảm bảo ổn định.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, HTX còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Dự án Nông nghiệp bền vững, địa phương về kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, như là nhà kho, hệ thống sấy, máy sàng tách hạt giống, máy thu rơm… và các thành viên HTX được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất lúa giống, từ đó, giúp lúa hàng hóa của HTX luôn đạt chất lượng, giảm giá thành sản xuất, lợi nhuận cao.
“Nông dân canh tác hiệu quả hơn do giảm giá thành sản xuất. Việc mua giống sản xuất cũng rẻ hơn, do trung tâm giống nông nghiệp cung ứng. Giá bán thì được thương lái thu mua cao hơn giá thương lái tại địa phương. Do đó lợi nhuận của bà con được nâng lên. Từ đó sản xuất hiệu quả, vật tư đầu vào rẻ, sản phẩm đầu ra bán được giá cao hơn” - ông Thạnh nói.
Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, ông Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, nhờ tích cực triển khai công tác kết nối giữa Doanh nghiệp với các HTX, tổ hợp tác (THT) và nông dân nên việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng liên kết ngày càng nhiều, việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ ngày càng được chú trọng, diện tích liên kết tiêu thụ trên cây lúa ngày càng tăng.
Trong năm 2021 vừa qua, tỉnh Sóc Trăng có 131 lượt công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ diện tích gần 61.000 ha lúa, tăng 68% so cùng kỳ. Về tiêu thụ lúa 6 tháng đầu năm tương đối thuận lợi, giá lúa tăng so cùng kỳ năm trước từ 500-2.100 đồng/kg. Tuy nhiên, trong quý 3 năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, giá lúa vụ Hè thu giảm mạnh so cùng kỳ từ 500-1.600 đồng/kg. Lợi nhuận trong năm bình quân người dân thu được từ 8,6 - 26,3 triệu đồng/ha.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã cũng cho rằng, mặc dù vậy, hiện nay vấn đề liên kết giữa Hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, như số lượng doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm trong thực hiện cánh đồng lớn còn ít; thời gian hợp đồng liên kết ngắn (đa số chỉ có một vụ); tình trạng không thực hiện theo hợp đồng đã ký kết vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Bên cạnh đó là điều kiện cơ sở hạ tầng một số địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng tiêu chí sản xuất lớn, tập trung (giao thông, thủy lợi…) để vận chuyển hàng hóa, đưa phương tiện máy móc phục vụ cho sản xuất; Giá bán lúa thường xuyên biến động, không ổn định gây tổn thất cho người sản xuất…
“Mặc dù đã có nhiều hoạt động thúc đẩy liên kết, xúc tiến thương mại đã thực hiện, nhưng hiệu quả cũng chưa được như mong đợi. Hiện nay, một phần cũng do năng lực của các HTX, THT còn hạn chế, chưa tìm được tiếng nói chung trong chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa doanh nghiệp và các tổ chức liên kết với nhau” - ông Huỳnh Ngọc Nhã nói.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu nâng cao giá trị nông sản nhằm tăng thu nhập cho nông dân, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, đạt hơn 250 triệu đồng/ha. Trong đó, sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm hơn 80% sản lượng lúa của tỉnh. Để đạt được điều này, tỉnh đặt mục tiêu phát triển thương hiệu và nâng cấp chuỗi giá trị lúa-gạo đặc sản tỉnh, theo đó, tập trung các giống lúa nhóm ST, lúa Tài Nguyên mùa, thơm nhẹ theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao thu nhập, sinh kế hộ nông dân trồng lúa, hướng đến phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững.
Tỉnh Sóc Trăng cũng xác định vùng sản xuất lúa đặc sản phù hợp nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Củng cố và xây dựng các THT, HTX sản xuất lúa. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa gắn với xây dựng cánh đồng lớn và liên kết sản xuất theo hướng an toàn. Hỗ trợ sản xuất giống siêu nguyên chủng và nguyên chủng, xây dựng hệ thống nhân giống cấp xác nhận. Tăng cường xúc tiến thương mại và thị trường, thúc đẩy sự tham gia đầu tư và thu mua của doanh nghiệp.
Tại hội nghị liên kết sản xuất, tiêu thụ gạo bền vững tỉnh Sóc Trăng được tổ chức vừa qua, ông Vương Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết, để sản xuất và tiêu thụ được thì cần phải có doanh nghiệp để tiêu thụ, nông dân thì thông qua các HTX, THT để tổ chức sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Mà đã là sản xuất hàng hóa lớn thì phải có doanh nghiệp để thực hiện ký kết và bao tiêu.
“Các doanh nghiệp đã từng làm với Sóc Trăng, đang làm và sắp tới có thể hy vọng rằng, các doanh nghiệp cũ và doanh nghiệp mới sẽ có cái ký kết, hợp tác với HTX để hoạt động sản xuất lúa gạo có tính chất bền vững và lâu dài, giúp cho người nông dân có thu nhập tốt hơn” - ông Vương Quốc Nam nói.
Ông Vương Quốc Nam cũng đề nghị, ngành nông nghiệp và các địa phương tiếp tục quan tâm tổ chức các cuộc hội thảo, diễn đàn liên kết nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức đại diện của nông dân có cơ hội tiếp cận, trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân có hợp đồng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản có hiệu quả và bền vững. Triển khai Chương trình, dự án hỗ trợ các HTX, THT xây dựng kế hoạch sản xuất theo chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nhằm giảm rủi ro, tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, từ đó có thị trường tiêu thụ ổn định nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trồng lúa./.