Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tình hình thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào Việt Nam từ đầu năm đến thời điểm 20/7 đạt 11.911 triệu USD, bằng 119,6% cùng kỳ năm 2012.

Trong đó, riêng vốn đăng ký của 677 dự án được cấp phép mới đã đạt 6.919,7triệu USD, bằng 93,5% số dự án và bằng 110% số vốn cùng kỳ năm 2012; vốn đăng ký bổ sung của 266 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước là 4.991,3 triệu USD. Tính chung vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng năm 2013 ước tính đạt 6,7 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

singapore.jpg
Các doanh nghiệp tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Singapore 2013 (VSBF 2013). (Ảnh: Báo Hải quan)

Cụ thể, tổng số vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành 7 tháng năm 2013 có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 10.440,9 triệu USD, chiếm 87,6% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản đạt 580,8 triệu USD, chiếm 4,9%; các ngành còn lại đạt 889,3 triệu USD, chiếm 7,5%.

Hiện cả nước có 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới trong 7 tháng qua, trong đó Thái Nguyên có số vốn đăng ký lớn nhất với 2.141,5 triệu USD, chiếm 44,8% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Tiếp sau là Bình Định với số vốn đăng ký 1.009,5 triệu USD, chiếm 21,1%; Hải Dương 611,6 triệu USD, chiếm 12,8%; Bình Dương 460,7 triệu USD, chiếm 9,6%; Đồng Nai 338,8 triệu USD, chiếm 7,1%; Hải Phòng 335,4 triệu USD, chiếm 7%; TP HCM 333,5 USD, chiếm 7%.

Trong số 42 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp phép mới vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, Singapore tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất với 2.485,6 triệu USD, chiếm 35,9% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Liên bang Nga đang nâng tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam lên mức 1.015,2 triệu USD, chiếm 14,7%; Nhật Bản 1.001,6 triệu USD, chiếm 14,5%; Hàn Quốc 667,3 triệu USD, chiếm 9,6%; Đặc khu Hành chính Hong Kong 575,7 triệu USD, chiếm 8,3%; Thái Lan 309,3 triệu USD, chiếm 4,5%./.