Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro, trong đó có lĩnh vực bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Trước thông tin này, các chuyên gia tại TP.HCM có những dự báo về diễn biến thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Trước yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, một loạt ngân hàng thương mại đã có động thái chấp hành. Cụ thể, Sacombank yêu cầu trong hệ thống không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, không huy động – cho vay cầm cố sổ cùng lúc đến hết tháng 6/2022.
Tương tự, Techcombank cũng thông báo tạm dừng giải ngân khoản vay mua bất động sản kể từ ngày 25/3/2022. Còn Agribank cũng hạn chế cho vay đối với kinh doanh bất động sản. Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này ở Agribank hiện chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng dư nợ 1,5 triệu tỷ đồng.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh – Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển của CBRE nhận định, bất động sản được xem là loại hình đầu tư rủi ro, việc Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng vào thị trường này đã diễn ra trong vài năm trở lại đây và sẽ tiếp tục siết chặt trong năm 2022.
Do đó, việc huy động nguồn vốn lớn đối với các chủ đầu tư bất động sản sẽ khó khăn hơn. Phía người mua bất động sản cũng gặp khó khăn, từ đó sẽ dẫn tới giảm nguồn cầu của thị trường. Bà Thanh đánh giá thời gian tới, hiện tượng đầu cơ sẽ giảm đi.
“Điều này sẽ tốt cho thị trường bất động sản, bởi vì thị trường bất động sản tại TP.HCM vẫn chịu áp lực về giá. Việc tăng giá sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022 và 2023 chắc chắn dẫn đến hiện tượng đầu cơ ở những điểm nóng. Thị trường sẽ không trầm lắng lại, mà lượng đầu cơ và đầu tư sẽ ít đi”, bà Thanh nói.
Theo ông Nguyễn Duy Thành – Tổng Giám đốc Công ty quản lý Nhà Toàn Cầu (Global Home), thị trường bất động sản sẽ trở nên minh bạch hơn sau động thái siết tín dụng, tránh xảy ra bong bóng bất động sản khi nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính.
Ông Thành nhận định, nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ sẽ lựa chọn những kênh đầu tư phù hợp hơn, không đầu tư vào những dự án bất động sản không đầy đủ pháp lý, chậm tiến độ mà chuyển sang đầu tư đất nền phân lô có pháp lý hoàn chỉnh, phù hợp với túi tiền.
Về mức giá, ông Thành cho rằng thị trường bất động sản sẽ không đi xuống trong bối cảnh chỉ số lạm phát, tăng trưởng kinh tế như hiện nay. Khả năng mức giá sẽ đi ngang ở một số khu vực, thậm chí tăng giá ở những khu vực đã hoàn chỉnh về chính sách, chủ trương phát triển đô thị, hạ tầng, kinh tế - xã hội.
“Mức giá và tình trạng “sốt” đất không diễn ra đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, sẽ thanh lọc lại cục bộ ở những nơi có pháp lý hoàn chỉnh. Thị trường bất động sản sẽ đón thêm làn sóng đầu tư bất động sản nhỏ lẻ tại thị trường một số nơi tiềm năng”, ông Thành nhận định.
Trong kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Theo các chuyên gia, việc này sẽ giúp tạo thêm cơ hội cho những người mua bất động sản không cần đòn bẩy tài chính, cũng như giúp những người có nhu cầu thực không bị cạnh tranh mạnh từ những người đầu cơ ngắn hạn./.