Trong khi đó, mức thuế nhập khẩu thép ngày càng giảm nên đã dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa thép sản xuất trong nước với thép nhập khẩu từ nước ngoài, nhất là thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 44 về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu, nhằm giảm lượng thép tồn kho.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam, lợi dụng việc không quy định in tên thương hiệu trên thép phi 6 và 8, thép Trung Quốc nhập về Việt Nam chất lượng không đảm bảo đã trà trộn với thép nội, gây ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Cùng với đó, thép cuộn Trung Quốc có pha thêm hợp chất Bo nhập khẩu vào Việt Nam dưới mác là thép hợp kim để được hưởng lợi thuế cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng thép tồn kho trong nước tăng cao.
Tính đến cuối năm 2013, lượng thép xây dựng tồn kho của cả nước khoảng 300.000 tấn thép và phôi thép tồn khoảng 500.000 tấn, chủ yếu là các loại thép xây dựng như thép thanh, thép cuộn, thép hình cỡ nhỏ, thép mạ kim loại, thép phủ màu...
Một số chủng loại như thép cuộn cán nóng, thép hợp kim, thép chế tạo cơ khí... sản xuất trong nước chưa đáp ứng nhu cầu nên vẫn phải nhập khẩu tới 70-80%.
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, thời gian qua, cung cầu thị trường thép trong nước mất cân đối, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước phải đối mặt với tình trạng thép nước ngoài nhập vào ồ ạt, ảnh hưởng không nhỏ đến thị phần tiêu thụ thép trong nước. Ông nói: “Ngoài việc tạo ra thị trường thép tốt hơn, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tại thời điểm này, chúng ta không nên đầu tư mở rộng sản phẩm trong nước dư thừa mà cần đầu tư chiều sâu. Chúng ta tiếp tục thực hiện, bên cạnh sa sút doanh nghiệp nhỏ công nghệ lạc hậu, nhiều doanh nghiệp có công nghệ cao họ vẫn có thị trường tốt”.
Để hạn chế tình trạng này và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp ngành thép, Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 44 quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu.
Theo đó, từ ngày 1/6 tới, nhà nhập khẩu thép trong nước sẽ phải công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm thép trong hợp đồng nhập khẩu và chỉ cho phép nhập khẩu, lưu thông các sản phẩm thép phù hợp với tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc đầu tư các nhà máy thép, đặc biệt là các cơ sở sản xuất các loại thép mà cung đã vượt quá cầu như: thép xây dựng, phôi thép, thép cán nguội, tôn mạ và tôn phủ màu.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Tổng giám đốc kinh doanh Công ty trách nhiệm hữu hạn NS BlueScope Việt Nam cho rằng, Thông tư này ra đời sẽ là khung pháp lý buộc các doanh nghiệp thép phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt và chất lượng sản xuất thép sẽ được nâng lên: Năm 2014 hy vọng khởi sắc, còn năm 2013 là đáy và không đi xuống nữa. Thị trường thép Việt Nam tăng trưởng ở mức vừa phải, ngành thép nhận thấy vẫn cò khó khăn, cung trong nước gấp hơn 3 lần cầu nên doanh nghiệp cần tìm ra hướng đi dể tồn tại và phát triển.
Theo bà Phạm Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công Thương, thị trường càng khó khăn lại càng nảy sinh nhiều gian lận thương mại về tiêu chuẩn, các chủng loại thép được sử dụng… Do đó, Thông tư 44 sẽ là cơ sở để quản lý chặt chẽ chất lượng đối với nhà sản xuất và nhập khẩu, bảo vệ hoạt động sản xuất và kinh doanh thép trong nước.
Bà Phạm Thu Giang cho biết: “Về cạnh tranh chúng ta có rất nhiều phương pháp từ sản xuất và làm thế nào đầu tư được công nghệ đảm bảo tiêu thụ năng lượng ít, đảm bảo tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu khi sử dụng để sản xuất cũng như áp dụng các tiêu chí đặt ra trong quản lý về môi trường. Năng lực cạnh tranh có nhiều điểm, tiêu chuẩn chỉ là một trong những biện pháp để cạnh tranh với các sản phẩm có trên thị trường. Chúng ta phải làm thế nào để cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”.
Thông tư 44 quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu có ý nghĩa quan trọng trong việc chống gian lận thương mại, góp phần ổn định thị trường thép; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước duy trì sản xuất. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư chiều sâu, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu năng lượng nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm; không đầu tư mới những sản phẩm có năng lực sản xuất đang dư thừa và hợp tác giữa các đơn vị thành viên trong việc ổn định thị trường./.