Ngày 23/5, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị về thu mua tạm trữ lúa, gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo nhiều Bộ ngành Trung ương và 13 tỉnh, thành trong khu vực.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa Đông xuân vừa qua có 13 ngân hàng thương mại thực hiện việc cho doanh nghiệp vay mua tạm trữ, với số vốn đã giải ngân 7.612 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch. Nguồn vốn này đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp triển khai thu mua đủ 1 triệu tấn qui gạo, đạt 100 % kế hoạch.
Theo tính toán, trong thời điểm thu mua tạm trữ, giá lúa cao hơn trước đó từ 100 đến 200 đồng/kg. Cụ thể giá lúa khô tại ruộng từ 5.100 - 5.300 đồng/kg. Với giá thu mua này so với giá thành sản xuất lúa bình quân toàn vùng trong vụ là 3.616 đồng/kg, thì chênh lệch từ 38-46%.
Theo nhận định của nhiều đại biểu, phần chênh lệch này không phải người sản xuất lúa được hưởng hoàn toàn và không phải giống nhau ở các địa phương do tỷ lệ lúa gạo mà doanh nghiệp mua trực tiếp của nông dân còn thấp và đặc thù của mỗi địa phương không giống nhau. Tuy nhiên, có thể khẳng định hiệu quả mang lại từ việc thu mua tạm trữ lúa, gạo vừa qua không nhỏ.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp Hội lương thực Việt Nam cho biết: “Chủ trương tạm trữ là xử lý trong thời điểm thu hoạch cao điểm, nhằm làm cho giá lúa, gạo đừng tuột xuống dưới giá định hướng. Mục tiêu là vậy, để kềm giá, giữ giá, mà nếu nâng giá mua lên được càng tốt. Cách làm này không phải hỗ trợ trực tiếp cho nông dân mà chỉ làm cho ổn định thị trường”.
Dự kiến vụ hè thu 2013 này, tổng sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL ước đạt hơn 9,3 triệu tấn. Theo đó, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch thu mua tạm trữ khoảng 1 triệu tấn qui gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa), trong khoảng thời gian 60 ngày, kề từ ngày 15/6 đến ngày 15/8/2013. Nhiều địa phương ở ĐBSCL đề xuất nên thu mua tạm trữ sớm hơn và nên thu mua ở mức 1,5 triệu tấn qui gạo (tương đương 3 triệu tấn lúa) để giải quyết khó khăn cho nông dân, khi lúa trong vụ Đông xuân vừa qua vẫn còn tồn nhiều.
Trước những đề xuất này, ông Vũ Văn Tám- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Nhiều địa phương thu hoạch sớm thì mong muốn công bố thời gian mua tạm trữ sớm hơn hoặc giao 2 tháng nhưng cho địa phương quyết định. Quyết định mua tạm trữ lúa gạo là một biện pháp về thị trường nên nếu không quyết định ở một thời điểm tập trung thì rất khó điều chỉnh cung cầu, cũng như điều chỉnh giá. Phải có một thời điểm tập trung đúng theo Nghị định 109, tức là khi giá thị trường thấp hơn giá định hướng thì thu mua tạm trữ”./.