Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo Luật Đầu tư hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư gắn với thành lập tổ chức kinh tế; Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho nhà đầu tư nước ngoài đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

hatangdautu.jpg
Đại lộ Đông - Tây và hầm Thủ Thiêm của TPHCM là công trình có sự tham gia của các nhà thầu Nhật Bản (Ảnh: Kinh Luân/Thesaigontimes)

Trong thời gian qua, việc thực hiện quy định nêu trên gặp nhiều vướng mắc mà trước hết là vướng mắc trong cách hiểu thế nào là “lần đầu đầu tư vào Việt Nam”. Quy định về Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhằm mục tiêu đơn giản hóa thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng lại dẫn đến rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư bởi đây là hai loại giấy tờ khác nhau về bản chất pháp lý.

Thủ tục góp vốn, mua cổ phẩn của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam cũng không được thực hiện thống nhất giữa các địa phương, còn tồn tại quan điểm khác nhau về sự cần thiết phải cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với trường hợp này cũng như điều kiện, thủ tục xem xét điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam.

Để  khắc phục những bất cập nêu trên và tạo mặt bằng pháp lý thống nhất về thủ tục đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước, Dự thảo Luật đã sửa đổi căn bản quy định về thủ tục đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài theo hướng: Khi có nhu cầu thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp để thành lập doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh  kiểm tra điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế.

Sau khi thành lập doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập sẽ thực hiện dự án đầu tư theo thủ tục về cơ bản thống nhất áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước.

Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam, Cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ kiểm tra điều kiện đầu tư áp dụng đối với thành lập doanh nghiệp và doanh nghiệp nhận vốn góp, bàn cổ phần cho nhà đầu tư nước thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh (thay đổi cổ đông, thành viên) theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Như vậy, theo quy định nêu trên, trừ yêu cầu về thẩm tra điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với pháp luật điều ước quốc tế, nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đã được đối xử bình đẳng về quyền gia nhập thị trường và thực hiện dự án đầu tư./.