Trong bối cảnh thực phẩm “bẩn” đang bủa vây người tiêu dùng thì việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ được coi là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết căn cơ vấn đề an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc thiếu hành lang pháp lý trong chứng nhận sản phẩm hữu cơ cũng như cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, quỹ đất đang là những rào cản lớn nhất trong thúc đẩy phát triển lĩnh vực này hiện nay.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ được coi là canh tác tự nhiên có kiểm soát, không sử dụng hóa chất, từ phân bón, thuốc trừ sâu, chất diệt cỏ, chất kích thích tăng trưởng. Mọi công đoạn từ khâu làm đất đến thu hoạch đều được ghi chép lại để truy xuất nguồn gốc nếu có vấn đề khi tiêu dùng….
Chị Hoàng Thị Long, nông dân sản xuất rau hữu cơ ở xóm Trại Hòa, xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình chia sẻ, trồng rau hữu cơ năng suất tăng gấp rưỡi, giá thành cao và dễ tiêu thụ. Thêm vào đó, nông dân và người tiêu dùng đều “sống khỏe” do không phải tiếp xúc các chất độc hại: "Khi làm rau hữu cơ, chúng tôi được tham gia vào hệ thống sản xuất rau hữu cơ. Sản phẩm làm ra được bán theo chuỗi thông qua ký kết hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ, vì vậy kinh tế và thu nhập rất ổn định so với sản xuất thông thường".
Theo các chuyên gia nông nghiệp, tiềm năng để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ là rất lớn. Tuy nhiên, để sản xuất cũng như tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ hiệu quả rất cần những quy định cụ thể về từng loại sản phẩm.
Ông Thân Dỹ Ngữ, Giám đốc công ty TNHH Hiệp Thành – doanh nghiệp sản xuất hữu cơ chuyên xuất khẩu chè và nông sản chế biến làm gia vị sang thị trường Liên minh Châu Âu và Mỹ, nêu ý kiến: "Đầu tư cho sản xuất hữu cơ là dài hạn với chu kỳ khoảng 10 năm trở lên. Để làm hữu cơ thì vai trò của đơn vị, tổ chức chứng nhận là rất quan trọng, điều này đảm bảo chứng minh nguồn gốc sản phẩm làm ra. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên thúc đẩy các chính sách và cụ thể hóa các tiêu chuẩn cũng như cần có những chính sách cụ thể cho các doanh nghiệp, tổ chức chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Hiện nay doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc vào chứng nhận tiêu chuẩn Liên đoàn hữu cơ quốc tế, mặc dù tiêu chuẩn này hoàn toàn có thể xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi chất lượng cao nhưng ngược lại chưa nhiều người tiêu dùng trong nước nắm bắt được tiêu chuẩn này".
Ông Phạm Minh Đức, Giám đốc kỹ thuật của công ty ICT Thái Lan tại Việt Nam - đơn vị cung cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu và Mỹ cho biết, hiện đã có 172 quốc gia sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, với tổng giá trị thị trường gần 100 tỉ đô la/năm, trong đó có khoảng 35 tỉ đô la từ thị trường Mỹ. Điểm yếu của các doanh nghiệp đang gặp phải là khả năng hợp tác và đảm bảo các cam kết về chất lượng. Bởi thực phẩm dán nhãn “hữu cơ”, “an toàn”, “sạch” hiện có nhiều trên thị trường nhưng chất lượng ra sao? được chứng nhận như thế nào? khiến người tiêu dùng hoang mang và ngại trả giá cao hơn cho các sản phẩm chất lượng. Đây là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp trong việc quảng bá thực phẩm hữu cơ và thuyết phục người tiêu dùng.
Ông Phạm Minh Đức nói: "Sản xuất hữu cơ đòi hỏi phải có 2 yếu tố. Một là phải chọn vùng sản xuất phù hợp, thứ hai là người sản xuất phải có tâm, sản xuất theo quy trình thì mới có sản xuất được nông sản hữu cơ. Về thị trường, chúng tôi đang hỗ trợ chứng nhận hữu cơ cho 6 doanh nghiệp xuất khẩu với diện tích hơn 1 nghìn 500 ha phần lớn là các sản phẩm ở miền núi phía Bắc như: chè, gừng, quế. Chúng tôi cũng mong muốn có cơ chế chính sách để các tổ chức chứng nhận hữu cơ ở Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn mang lại giá trị thực cho những sản phẩm được sản xuất đúng theo phương pháp hữu cơ".
Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng, sản xuất nông sản hữu cơ cần được khuyến khích để nông nghiệp Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Với vai trò là cầu nối và tư vấn hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thời gian qua Hiệp hội đã liên kết, kết nối hàng trăm mô hình sản xuất ở nhiều vùng miền trên cả nước, tuy nhiên, quá trình triển khai nhân rộng mô hình còn gặp không ít khó khăn….
Ông Hà Phúc Mịch kiến nghị: "Tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ không giống như VietGap và GlobalGap mà quy trình sản xuất này tuân thủ theo tiêu chuẩn chung của quốc tế. Trở ngại lớn nhất trong nhân rộng và tăng sản lượng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay là vấn đề đất đai bởi việc quy hoạch sản xuất theo quy trình này đòi hỏi phải có diện tích lớn và phải có khu vực đất sạch, cách ly với những quy trình sản xuất nông nghiệp thông thường".
Hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững, giúp cải thiện thu nhập cho nông dân, đáp ứng nhu cầu nông sản an toàn của của cộng đồng rất cần các cơ chế, chính sách trong hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là sớm xây dựng hành lang pháp lý trong công nhận, chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Sự minh bạch trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ giúp sản phẩm hữu cơ khẳng định chất lượng và có chỗ đứng tại thị trường trong nước mà còn giúp các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu trên thị trường thế giới./.