Những ngày qua, bà con nông dân ở ĐBSCL rất vui mừng trước thông tin về chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (gọi tắt là SRP), do Tập đoàn Lộc Trời phối hợp với IFC - thành viên Nhóm Ngân hàng thế giới, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế và Diễn đàn lúa gạo bền vững quốc tế tổ chức, sẽ được tiếp tục thực hiện. Trước đó, chương trình đã làm thử nghiệm 2 vụ với 150 hộ nông dân tham gia, bước đầu cho kết quả khả quan, đem lại thu nhập cao cho bà con.
Anh Lê Ngọc Linh, ngụ xã Tân An, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang - một trong các hộ nông dân tham gia thí điểm chương trình sản xuất lúa gạo bền vững SRP cho biết, trên diện tích canh tác 4,5 ha lúa của gia đình, sau mùa thu hoạch tình hình khả quan hơn so với cách trồng lúa truyền thống.
Thay đổi tập quán canh tác mang lại hiệu quả cao trong sản xuất lúa gạo. (Ảnh minh họa: KT) |
“Các tiêu chí của chương trình vẫn còn một số chưa thực hiện được nhưng nhìn chung đã mang lại nhiều lợi ích cho nông dân. Trước đây nông dân canh tác theo tập quán cũ nay đã thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế với 46 tiêu chí khiến người nông dân có thể ý thức được lợi ích và thay đổi, vì muốn sản xuất bền vững là phải thay đổi tập quán canh tác”, anh Linh giải thích.
46 tiêu chí đặt ra trong chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP thoạt đầu có vẻ khó thực hiện đối với nông dân, mặc dù bà con đã từng được tập huấn nhiều về “3 giảm 3 tăng” hoặc “1 phải 5 giảm” trong sản xuất lúa. Các tiêu chí đưa ra những đòi hỏi khắt khe để đảm bảo việc sản xuất ra hạt gạo an toàn, bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe của người nông dân cũng như người tiêu dùng.
Những điểm mới bắt buộc nông dân phải tiếp thu và thực hiện nghiêm ngặt, đó là khi sản xuất không được đốt rơm rạ, khi bón phải kết hợp phân vô cơ và hữu cơ, quản lý dịch hại tổng hợp theo nguyên tắc “4 đúng”. Trong bảo vệ thực vật, nông dân khi phun thuốc phải mang bảo hộ lao động, ruộng mới phun thuốc phải cắm bảng thông báo trên đồng...
Quá trình thí điểm trong suốt vụ, nhóm kỹ sư nông nghiệp của Tập đoàn Lộc Trời đã sát cánh với bà con, “gom” nông dân hơn chục lần để “nâng cấp” kiến thức và yêu cầu thực hiện trên ngay trên đồng ruộng.
Ông Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, thuộc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, sau khi được tập huấn, bà con đều nhận thức rõ lợi ích của chương trình, hiện nay khi ra đồng đã không thấy rác bảo vệ thực vật.
“Người dân thấy rằng việc thu gom rác và tập trung tiêu hủy đúng quy cách sẽ có lợi cho môi trường, sản xuất cũng như sức khỏe của chính mình. Lợi ích mang lại đã khiến người dân nhiệt tình tham gia. Hi vọng trong thời gian tới, chương trình SRP sẽ lan tỏa ra nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp, tiến tới việc sản xuất lúa gạo ngày càng bền vững và hiệu quả”, ông Chín cho biết.
Qua thử nghiệm 2 vụ, chương trình SRP đã cho kết quả ban đầu khá tích cực, bà con có dịp so sánh đồng ruộng SRP với đồng ruộng xung quanh, thấy rõ sự khác biệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, động viên họ tiếp tục duy trì chương trình này và tạo hiệu ứng lan tỏa cho các hộ nông dân khác.
Chương trình không chỉ đem lại lợi ích cho nông dân, cộng đồng mà còn góp phần bảo vệ môi trường bền vững. Nhờ đó, các doanh nghiệp có gạo chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phục vụ cho người tiêu dùng sản phẩm gạo an toàn.
Nông dân làm lúa gạo không thể “tự bơi” trong cơ chế thị trường
“Tôi mong muốn các hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam sẽ nghiên cứu về SRP, khi có điều kiện thuận lợi sẽ cùng với Tập đoàn Lộc Trời mở rộng việc áp dụng tiêu chí, với cùng một mục tiêu hướng đến sản phẩm lúa gạo Việt đạt giá trị, chất lượng và làm nền tảng cho xây dựng thương hiệu doanh nghiệp”, ông Năng nói.
Trong 2 năm tới, chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP sẽ tập huấn cho khoảng 4.000 nông dân ở ĐBSCL với các tập quán canh tác mới về trồng lúa đạt chất lượng, năng suất cao và thân thiện với môi trường.
Khi SRP giúp thay đổi dần tập quán canh tác của bà con theo hướng tích cực, người nông dân có điều kiện đầu tư thêm cơ sở vật chất để đáp ứng các tiêu chí đề ra, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng thương hiệu gạo Việt chất lượng và cải thiện cuộc sống của người nông dân./.