Góp phần đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo, giúp nhiều hộ dân làm giàu, đồng thời giúp các địa phương trong tỉnh hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. 

Bưởi Đại Minh là giống bưởi ngon được nhiều nơi biết đến bao đời nay và là sản vật dùng để tiến vua một thời. Tuy nhiên, do trước đây bà con chỉ quen với việc trồng, chăm sóc, thu hái… theo truyền thông nên giá trị kinh tế chưa cao.

Từ khi vùng bưởi Đại Minh được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 4 sao, vào năm 2019, gia đình ông Nguyễn Kim Giao cũng như hàng trăm hộ dân khác ở xã Đại Minh đã chuyển đổi trồng, chăm sóc, thu hái bưởi theo tiêu chuẩn VietGap. Sau khi tham gia chuỗi sản xuất sạch hữu cơ, giá trị từ cây bưởi được nâng lên, rễ cây khỏe hơn, quả đẹp hơn và để được lâu hơn… Theo đó, quả bưởi Đại Minh được các doanh nghiệp bao tiêu, phân phối gần như toàn bộ.

Với cách làm này, năm 2019, vườn bưởi của ông Giao cho thu nhập gần 200 triệu đồng và dự kiến năm nay thu nhập sẽ còn cao hơn. "Trước đây về kỹ thuật chủ yếu dựa theo kinh nghiệm của bản thân, am hiểu về khoa học, kỹ thuật thì không có. Tham gia chương trình OCOP tôi được các nhà khoa học tập huấn cho kỹ thuật, kết hợp giữa kỹ thuật với kinh nghiệm của mình trong sản xuất cây bưởi đã làm cho quả sáng đẹp, chất lượng tốt lên, hy vọng nó sẽ vươn xa được", ông Giao chia sẻ.

Tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, sản phẩm quế điếu thuốc cũng đạt sản phẩm OCOP hạng 4 sao, được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Nhật Bản, Ấn Độ…

HTX Quế hồi Đào Thịnh sau hơn 2 năm thực hiện liên kết với nông dân, diện tích quế hữu cơ ban đầu chỉ hơn 1ha, nay vùng nguyên liệu đã có hơn 500ha. Sản phẩm của người dân được HTX bao tiêu toàn bộ và tăng 20% giá trị so với thị trường. Với việc sản xuất hữu cơ, các kỹ thuật mới cũng được đưa vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó 150 lao động của Hợp tác xã có thu nhập bình quân đạt 6 triệu/người/tháng.

Chị Nguyễn Thị Dinh, ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: "Từ hồi HTX mở đến giờ thì công việc của bà con chúng tôi rất ổn định. Thứ hai là có nhà máy về đây làm quế hữu cơ giá cả rất hợp lý, tôi không phải lo lắng gì cả, cứ khai thác là về công ty bán thôi".

Từ khi triển khai đến nay, tỉnh Yên Bái đã có hàng chục sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao như: Bưởi Đại Minh, Chè Suối Giàng, Quế Văn Yên, Gạo Séng Cù... Dự kiến đến hết 2020, toàn tỉnh Yên Bái có trên 80 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 2 sao trở lên.

Ông Nhâm Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm đã tạo động lực trong phát triển kinh tế ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện nhóm tiêu chí tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

"Đây là chương trình có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn, là một chương trình phát triển theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thu nhập nâng cao đời sống cho người dân, bộ mặt nông thôn của Yên Bái ngày càng khởi sắc, thay da đổi thịt. Thông qua các chương trình đã tạo ra được cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển" - ông Trường cho hay.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Yên Bái đã góp phần nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 67 xã,  mức thu nhập bình quân đạt gần 39 triệu đồng/người/năm.        

Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm OCOP của tỉnh miền núi Yên Bái đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ như: sản phẩm thủ công mỹ nghệ phải cạnh tranh với các mặt hàng nhập ngoại rất lớn; sản phẩm đặc sản, đặc trưng tuy nhiều nhưng lại hạn chế về sản lượng; nhiều sản phẩm phụ thuộc vào tính mùa vụ; các sản phẩm chưa hấp dẫn về mẫu mã, bao bì; sản xuất manh mún và còn phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên… 

Những khó khăn này đòi hỏi chính quyền, người dân và doanh nghiệp cùng nhau sớm tháo gỡ trước khi phát triển thêm các sản phẩm OCOP./.