Dịch bệnh Covid-19 đã làm nhiều doanh nghiệp (DN) phải dừng sản xuất hoặc phá sản. Tuy nhiên, trong khó khăn đó, có những DN ở TP HCM đã “biến nguy thành cơ”, bằng cách chọn thị trường ngách, tạo sự khác biệt của sản phẩm để cạnh tranh và tiếp cận tốt thị trường xuất khẩu. Chính vì vậy, thời điểm này, nhiều DN đã có đơn hàng xuất khẩu cho cả quý I/2021. Đồng thời có hướng mở rộng sản xuất trong thời gian tới.
Trong khi nhiều DN đang phải chật vật tìm đơn hàng để duy trì sản xuất, Công ty TNHH Đầu tư liên kết thương mại toàn cầu MEET MORE đã có đủ đơn hàng xuất khẩu đến cuối năm nay. Mỗi tháng, công ty xuất khẩu sang Italy 5 container cà phê trái cây. Đáng mừng hơn, 1 DN ở Italy còn đề nghị ký hợp đồng phân phối độc quyền sản phẩm của MEET MORE với số lượng lớn cho 27 nước ở châu Âu (EU).
Từ trước đến nay, sản phẩm cà phê hòa tan muốn vào được thị trường EU rất khó, do thị trường này kiểm soát chặt chẽ thành phần sữa trong cà phê hòa tan. MEET MORE tiếp cận tốt thị trường này chính là bởi tạo ra sự khác biệt của sản phẩm, trên thị trường chưa có. Đó là sản phẩm cà phê trái cây được chế biến, kết hợp giữa cà phê và các loại trái cây tươi như dừa, xoài, trái nhàu, bạc hà...và không cần dùng sữa.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành MEET MORE cho biết, người tiêu dùng EU rất thích sản phẩm này, vì nguyên liệu được làm hoàn toàn bằng trái cây tươi của Việt Nam, đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp với sở thích.
“Bản thân không nghĩ người tiêu dùng EU lại thay đổi xu hướng nhanh như vậy. Trước đây họ dùng sản phẩm của Trung Quốc, nhưng sau dịch Covid-19, họ thấy sản phẩm đúng made Việt Nam bằng nguyên liệu trái cây tươi ngon, chất lượng như vậy họ dồn sang dùng hàng của mình. Bước tới, công ty tập trung mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian nhanh nhất và tập trung toàn lực làm quản lý hệ thống chất lượng ở Việt Nam sao cho tốt hơn”, ông Luận cho biết.
Không chỉ có ngành hàng đồ uống, các DN chế biến sản phẩm gỗ ở TP HCM cũng tìm được thị trường ngách để đẩy mạnh xuât khẩu sang EU. Điển hình như Công ty TNHH Sản xuất - thương mại và xuất khẩu Thiên Minh, đến thời điểm này đã có đơn hàng xuất khẩu sang EU đến hết tháng 4/2021. Để có được những đơn hàng dài hơi và mở rộng thị trường trong lúc dịch bệnh Covid-19, công ty đã đẩy mạnh thương mại điện tử, chọn phân khúc trung bình là đồ gỗ nội thất ngoài trời và bàn ghế giả mây, tre để cạnh tranh.
Ông Trần Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - thương mại và xuất khẩu Thiên Minh cho biết, sản phẩm bàn ghế giả mây tre của DN đang được thị trường đón nhận rất tích cực vì có yếu tố handmade. Sản phẩm này của DN có nhiều thế mạnh cạnh tranh với Trung Quốc về giá thành và sự khéo tay của lao động Việt Nam. Vấn đề của Thiên Minh hiện không phải là tìm đơn hàng mà là làm sao xuất hàng kịp tiến độ giao hàng.
“Lượng container rỗng trong các tháng 11-12/2020 và đầu năm 2021 sẽ thiếu, nên nhiều khả năng sẽ không có container rỗng để kịp thời gian giao hàng. Nếu nhà nước hỗ trợ nên làm sao giải phóng container thật nhanh có cơ chế phân luồng xanh, như vậy sản phẩm mới có khả năng đáp ứng đúng thời hạn”, ông Sơn mong muốn.
Theo lãnh đạo Hiệp hội DN TP HCM, với những nỗ lực trong quý IV này, nhiều DN xuất khẩu ngành chế biến gỗ, chế biến thực phẩm nông sản có tín hiệu tích cực với nhiều đơn hàng xuất khẩu cuối năm. Trong đó, riêng ngành chế biến gỗ những tháng cuối năm tốc độ tăng trưởng 2 con số.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM cho biết, đang đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại số hóa, kết nối với các DN đẩy mạnh xuất khẩu thời gian tới, nhất là vào thị trường EU để tận dụng tốt EVFTA.
“Chính quyền thành phố đang thành lập tổ công tác và thành lập Hội đồng phát triển ngành. Ở đó, thành phố sẽ tạo điều kiện tháo gỡ những khó khăn về thủ tục hành chính và sự phối hợp đồng hành, động bộ giữa chính quyền với DN”, ông Dũng nêu phương hướng.
Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn, thách thức cho nhiều DN. Tuy nhiên, DN nào biết biến nguy thành cơ, chọn hướng đi thích hợp, tạo được giá trị khác biệt cho sản phẩm của mình, vẫn sẽ khẳng định được thương hiệu trên thị trường xuất khẩu và có cơ hội phát triển lớn mạnh, bền vững./.