Hà Nội hiện có 48 chuỗi tiêu thụ rau an toàn (RAT) theo liên kết dọc, rau an toàn có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc nhưng mới chỉ tiêu thụ được vào các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể và hệ thống siêu thị với sản lượng gần 20.000 tấn/năm (chiếm 5% sản lượng RAT).
Đây là kết quả được đưa ra trong Hội thảo báo cáo kết quả thực hiện đề án sản xuất và tiêu thụ RAT TP Hà Nội giai đoạn 2009 – 2016 do UBND TP Hà Nội và Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức ngày 17/11.
Nông dân trồng RAT ở huyện Hoài Đức vẫn chưa thể bán được sản phẩm với đúng giá trị. |
RAT chưa có tem, nhãn nhận diện truy xuất nguồn gốc tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu dân cư với sản lượng trên 370.000 tấn/năm (chiếm 92,5% sản lượng rau an toàn, 61,67% sản lượng rau, 37% nhu cầu tiêu dùng).
Theo ông Đặng Bá Thắng – Giám đốc HTX nông nghiệp Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì (Hà Nội), mỗi ngày HTX sản xuất ra 20 tấn rau, quả nhưng mơi chỉ tiêu thụ được 1 – 2 tấn rau quả tại các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị. Còn lại là bán buôn cho các chợ đầu mối hay bà con tự mang ra chợ bán lẻ.
“So với bán lẻ ở chợ, nhập vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị được giá hơn từ 10 – 15% nhưng yêu cầu cũng khắt khe hơn, đòi hỏi có chứng nhận, tem, nhãn truy xuất nguồn gốc. Chi phí đầu tư cũng tăng lên nhiều, không phải hộ nông dân nào cũng làm được” – ông Thắng cho hay.
Tương tự như vậy, tại HTX Nông nghiệp Tiến Lệ, xã Tiên Yên, huyện Hoài Đức cũng chỉ mới đưa vào được siêu thị từ 3 – 5 tấn rau trên 15 tấn rau quả đươc sản xuất ra mỗi ngày. Mặc dù đơn vị này có 31ha/46ha diện tích đã có chứng nhận VietGAP. Theo ông Nguyễn Văn Hào, số lượng rau được vào siêu thị của đơn vị vẫn còn khiêm tốn như vậy vì HTX chủ yếu trồng các loại rau ăn lá, có ít chủng loại.
Theo ông Nguyễn Duy Hồng – Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, hiện ít doanh nghiệp đầu tư vào cửa hàng RAT do lợi nhuận thấp, rủi ro cao và gặp nhiều bất cập như giá thuê cửa hàng, nhân công bán hàng, quảng bá rất cao. Mở cửa hàng RAT vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, rau dễ thối hỏng, hư hao gắn liền với hệ lụy số cửa hàng ít, sản phẩm kém đa dạng, giá bán cao, số lượng tiêu thụ ít… dẫn tới phá sản.
Ông Nguyễn Tiến Hưng – Chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Big Green cho biết, khó khăn lớn của doanh nghiệp là làm sao có vùng nguyên liệu ổn định, trong khi việc liên kết với nông dân còn nhiều khó khăn; chi phí đầu tư dây chuyền sơ chế rất lớn. Doanh nghiệp không thể ký hợp đồng với từng hộ dân, vì vậy vai trò của HTX rất quan trọng nhưng rất tiếc là mô hình HTX kiểu mới đảm bảo hoạt động như một doanh nghiệp hiện nay còn hiếm./.