Rau sạch khó tiêu thụVới hơn 10 triệu dân nhưng Hà Nội mới chỉ có 7 địa chỉ cung cấp sản phẩm nông sản an toàn đã được xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi trên toàn quốc và chỉ đáp ứng được nhu cầu rất nhỏ của người dân. 7 điểm bán hàng nông sản an toàn theo công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực chất chỉ là của 4 nhà cung cấp.
Trong khi nhu cầu rau an toàn trên thị trường hiện rất cao thì liệu số nhà cung cấp này có thể đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu của người dân Thủ đô? Điều đáng nói là trong khi “cung” không đủ “cầu”, vậy nhưng tại 7 địa chỉ này, không khí mua sắm khá ảm đạm.
Tại quầy bán rau của Siêu thị Eximart, thuộc Công ty Cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu Tổng hợp (số 100 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng), các mặt hàng rau tuy phong phú về chủng loại nhưng số lượng mỗi loại được bày bán khá ít. Đại diện cửa hàng cho biết, bởi việc tiêu thụ rau còn chậm nên cửa hàng không dám nhập nhiều hàng vì sợ rau củ tồn đọng hư hỏng phải bỏ hết. Người dùng tự trồng rau tại nhàTrao đổi với phóng viên VOV, đại diện Công ty thực phẩm sạch Big Green Việt Nam cho biết: “Những sản phẩm an toàn theo chuỗi được nuôi trồng theo quy trình và quản lý nghiêm ngặt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tốn công sức hơn, năng suất lại thấp hơn nên giá bán RAT thường cao hơn từ 15 - 20% so với sản phẩm thông thường”. Dù vậy, nhưng với người sản xuất rau an toàn (RAT), thu không đủ bù chi.
Vì thế, dù nhu cầu của thị trường về RAT lớn nhưng người trồng cũng không mấy mặn mà bởi chi phí đầu tư lớn. Theo tính toán của nhiều HTX, nếu đầu tư trồng RAT, sử dụng phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật dạng sinh học, thảo mộc… luôn cao hơn từ 10 - 15% chi phí so với trồng rau bình thường.
Thế nhưng, giá bán ngoài thị trường “cào bằng”, không cao hơn “rau chợ đen” là nguy cơ khiến nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất hoặc dễ quay lưng, không tuân thủ quy trình trồng RAT vì tiêu thụ bấp bênh. Với tình trạng RAT giá bán như “rau chợ đen” thì rất khó phát triển, thậm chí không thể tạo ra động lực để người sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật, tuyệt đối tuân theo quy trình sản xuất RAT.Người dùng tự trồng rau Trong khi người kinh doanh RAT còn gặp nhiều khó khăn thì NTD vẫn thờ ơ với RAT vì thiếu niềm tin với mặt hàng này bởi không thể phân biệt được đâu là RAT và đâu là rau nhiễm hóa chất.
Để đảm bảo chất lượng và sự an toàn cho mỗi bữa cơm gia đình, nhiều NTD quyết định tự trồng rau trên sân thượng, những mảnh đất trống quanh nhà hoặc tìm kiếm nguồn cung cấp rau sạch. Phong trào trồng rau “tự cung, tự cấp” ở Hà Nội đang lan rộng. Không ít gia đình lựa chọn trồng rau trên trần nhà hoặc quanh khu vực sinh sống, nơi đâu có đất trống là họ tranh thủ gieo rau “sạch” để ăn.Chị Vân Anh ở Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội cho hay, ở khu nhà chị một số gia đình chưa xây dựng nên vẫn để chị và nhiều gia đình trong khu tận dụng để trồng rau phục vụ nhu cầu gia đình. “Rau được trồng theo phương thức truyền thống, bón lót phân trước khi gieo hạt, sau đó tưới bằng nước giếng, nước gạo, nước tiểu… mà không hề sử dụng thuốc trừ sâu nên rất đảm bảo cho sức khỏe”, chị Vân Anh chia sẻ.Để cải thiện tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường gây hoang mang cho người dân, Bộ NN&PTNT đang triển khai nhiều giải pháp hạn chế tình trạng này.
Ông Nguyễn Xuân Điệp, Viện nghiên cứu rau quả, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho hay: “Bộ đã trình lên Thủ tướng Chính phủ đề án tăng cường mạng lưới bảo vệ thực vật ở cấp xã. Trong đề án này, việc quan trọng là mỗi xã sẽ có một nhân viên trồng trọt, bảo vệ thực vật, là cán bộ chuyên trách, giúp cho việc tăng cường quản lý nhà nước ở cấp xã.
Tiếp theo là Bộ chuẩn bị đề xuất với Chính phủ cơ chế chính sách thúc đẩy chuỗi rau an toàn, tạo điều kiện để sản xuất RAT được đẩy mạnh, trong đó tập trung hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia trong chuỗi rau an toàn này”./.