Chiều 3/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, việc quy định thống nhất một cơ quan làm đầu mối thống nhất quản lý vay nợ trong nước và nước ngoài là cần thiết. Bởi Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị đã đặt ra yêu cầu khắc phục tình trạng quản lý nợ công còn phân tán, chồng chéo, không rõ trách nhiệm, không gắn kết giữa việc vay nợ với việc quản lý ngân sách nhà nước và trả nợ công.

Ngoài ra là thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc: một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chủ trì chịu trách nhiệm chính; Phù hợp với thông lệ tốt quốc tế.

nguyen_duc_hai_ctuf.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Theo ông Nguyễn Đức Hải, dự thảo luật quy định theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công. Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong chủ trì đàm phán, ký kết các thỏa thuận vay thương mại, các hiệp định khung, hiệp định vay cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Đồng thời giao Chính phủ phân công cụ thể nhiệm vụ phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về nợ công.

Đại biểu Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định) cho rằng, việc giao cho 3 cơ quan trong thời gian qua đã bộc lộ tồn tại và cần khắc phục ngay như tình trạng phân tán, chồng chéo chưa gắn vay nợ trả nợ hiệu quả sử dụng vốn vay, theo dõi tổng hợp khó khăn khiến nhiều dự án sử dụng hiệu quả thấp, thậm chí không hiệu quả khiến nợ công ngày càng tăng cao. Việc vay vốn và giải ngân vốn phân tán không căn cứ vào năng lực trả nợ dẫn đến ảnh hưởng an ninh tài chính quốc gia, khó kiểm soát vay...

Điều đó khiến nợ công tăng cao đột biến, khiến ngân sách nhà nước vẫn ứng quỹ trả nợ. Do đó cần quy định một cơ quan đầu mối chung trong quản lý nợ công.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong quản lý, sử dụng nợ công, đặc biệt trong trường hợp sử dụng vốn vay không hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, cần bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý nợ công, phải chịu trách nhiệm cá nhân khi tổ chức để xảy ra vi phạm trong quan lý nợ công, đồng thời gắn với thực hiện Luật cán bộ công chức. Vì vậy người đứng đầu phải chịu mọi trách nhiệm trong quản lý nợ công.

Đại biểu Phạm Đình Cúc (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu)

Cùng chung quan điểm, theo Đại biểu Phạm Đình Cúc (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu), cần bổ sung cơ quan đơn vị cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quản ý nợ công. Tùy theo tính chất mức độ để xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, và bị bồi thường khi gây ra những thiệt hại, nhất là người đứng đầu cơ quan tổ chức quản lý sử dụng nợ công nhưng lại để xảy ra vi phạm, gây thiệt hại cho nhà nước.

Phát biểu giải trình về một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh đã bổ sung vào dự án Luật hệ thống các công cụ quản lý nợ công bền vững như chỉ tiêu an toàn  nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, kế hoạch vay trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ trung hạn 3 năm (gồm năm hiện hành, năm kế hoạch, năm tiếp theo).

Kế hoạch vay trả nợ công hàng năm được cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ quyết định và chặt chẽ. Bổ sung các quy định về nguyên tắc quản lý nợ công, những hành vi bị cấm, các quy định về quản lý huy động, sử dụng, trả nợ, trách nhiệm của tất cả các cơ quan liên quan một cách chặt chẽ hơn so với Luật 2009.

Cùng với đó là xác định rõ thẩm quyền của các cơ quan trong quản lý nợ công, đã đưa ra những quy định làm rõ, siết chặt hơn về phạm vi bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại , vốn vay nước ngoài… để giảm thiểu rủi ro, không làm gia tăng khoản nợ cho NSNN./.