Báo cáo “Đánh giá chi tiêu công Việt Nam” do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố ngày 3/10, đưa ra một bức tranh tổng thể về tình hình ngân sách nhà nước, trong đó những con số đáng báo động về tình hình nợ công của Việt Nam. Nhiều áp lực đặt ra cho Việt Nam trong việc kiểm soát nợ công dưới mức trần cho phép là 65% GDP.

Báo cáo đưa ra con số đáng lo ngại, khi tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam tăng mạnh, từ 51,7% năm 2010 lên đến 61% năm 2015, trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất, khoảng 10 điểm % chỉ trong 5 năm qua, cho dù có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng.

no_cong_1507003738682_pool.jpg
Tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam tăng mạnh. (Ảnh minh họa: KT)
Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, mặc dù nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng cho phép, nhưng không có nghĩa là không có rủi ro. Nếu bội chi ngân sách và mức bảo lãnh của Chính phủ vẫn được duy trì như hiện nay, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam sẽ tăng vượt trần cho phép (65% GDP) trong những năm tới, kể cả khi tăng trưởng GDP có duy trì ở mức cao.

Báo cáo “Đánh giá chi tiêu công Việt Nam” được đưa ra vào một thời điểm quan trọng khi Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài khóa. Nợ công ngày càng tăng cao, trong khi đó, chi ngân sách ngày càng lớn, nhiều dự án của doanh nghiêp nhà nước thua lỗ, có nguy cơ ngân sách nhà nước lại phải trả nợ thay, hay hàng loạt các dự án đầu tư nghìn tỷ kém hiệu quả, như 12 dự án ngành Công Thương và 72 dự án khác tổng vốn đầu tư 43 nghìn tỷ đồng có nguy cơ “đắp chiếu”….

Giải quyết bài toán nợ công ở Việt Nam ngày càng trở nên cấp bách để đảm bảo an toàn, bền vững tài khóa và ổn định kinh tế vĩ mô. Như vậy, không chỉ phải nỗ lực giảm bội chi ngân sách ở mức dưới 4% GDP mà còn phải tăng cường kỷ luật tài chính, giảm bảo lãnh Chính phủ đối với các doanh nghiệp Nhà nước, siết chặt đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước.

Ngay cả với các địa phương cũng sẽ phải vay lại vốn ODA, thay vì được cấp phát như trước, có như vậy mới tăng được trách nhiệm đối với từng đồng vốn đầu tư, giảm áp lực nợ công./.