Báo cáo về nợ công của Chính phủ cho thấy, nợ công của Việt Nam năm 2017 có thể tăng lên mức hơn 3,1 triệu tỷ đồng, bằng 62,6% GDP. Điều này cũng có nghĩa là nghĩa vụ trả nợ đang có xu hướng tăng lên. Trong bối cảnh này, việc đổi mới quản lý nợ công, kiểm soát chặt chẽ để giảm áp lực nợ công đang đặt ra rất cấp bách.
Năm 2015, nợ công của Việt Nam ở mức 2 triệu tỷ đồng. Chỉ 2 năm sau, nợ công được dự báo có thể tăng lên mức hơn 3,1 triệu tỷ đồng, bằng 62,6% GDP. Dự kiến dư nợ công cuối năm 2018 ở mức khoảng 63,9% GDP, dư nợ chính phủ ở mức khoảng 52,5% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6% GDP. Mặc dù những con số này vẫn nằm trong giới hạn cho phép, nhưng rõ ràng là đang ở mức đáng lo ngại, tiến gần đến mức trần mà Quốc hội cho phép là 65% GDP. Trong khi đó, quản lý nợ công hiện vẫn còn nhiều điểm bất cập.
Chi thường xuyên tại Việt Nam chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, chiếm 70% tổng ngân sách nhà nước trong thời kỳ 2011-2015, cao hơn con số 63% của giai đoạn 5 năm trước đó. |
Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, mô hình quản lý nợ công hiện nay còn phân tán với nhiều đầu mối. Do đó, cần thống nhất đầu mối quản lý nợ công, tránh tình trạng nhiều cơ quan cùng có quyền đi vay nợ, dẫn đến khó quản lý, giám sát:
“Hiện nay có 3 đầu mối vay nợ, còn trả thì nhiều đầu mối nhỏ. Thậm chí không biết đầu mối nào, đây là vấn đề bức xúc nhất. Do đó, nên tập trung về 1 đầu mối vay nợ và lo trả nợ chứ hiện tại nhiều đầu mối vay rồi nhiều đầu mối trả thì lại dễ tranh công đổ tội, né trách nhiệm. Để đảm bảo thống nhất và phải sửa nhiều lần thì nên tuân theo chuẩn chung của quốc tế, đảm bảo có sức ép và cơ chế mới quản lý tốt hơn" - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết.
Thực tế, một trong những nguyên nhân gây áp lực nợ công Việt Nam những năm gần đây xuất phát từ bội chi ngân sách ở mức cao, bình quân giai đoạn 2011 – 2015 là khoảng 5,6% GDP. Đáng chú ý là chi thường xuyên tại Việt Nam chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, chiếm 70% tổng ngân sách nhà nước trong thời kỳ 2011-2015, cao hơn con số 63% của giai đoạn 5 năm trước đó. Chi thường xuyên liên tục tăng chủ yếu là do tăng chi để thực hiện các chính sách mới về an sinh xã hội, lương, phụ cấp và trả lãi các khoản vay.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có những quy định siết chặt chi tiêu thường xuyên, trong đó có việc giảm bộ máy hành chính cồng kềnh như hiện nay. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát chặt chẽ đầu tư công, bởi nhiều năm qua, đầu tư công tăng cao mà kém hiệu quả. Nhiều dự án đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng “đắp chiếu”, lãng phí và nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước.
TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính nêu ý kiến: “Đầu tư công phải giám sát chặt chẽ, công trình nào cần thiết mới bố trí kế hoạch đầu tư. Cần bố trí kế hoạch phù hợp nguồn thu ngân sách nhà nước. Trước nay toàn làm ngược, cứ bố trí kế hoạch chi tiêu rồi buộc các cơ quan thu như tài chính, thuế đẩy mạnh tăng thu. Nay phải xem thu đến đâu mới bố trí cho phù hợp từ đó giảm được vay nợ trong nước lẫn vay nợ nước ngoài".
Để kiểm soát nợ công, Chính phủ đưa ra một loạt giải pháp. Cụ thể là tiếp tục quản lý chặt chẽ việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển; Những khoản vay nợ dành cho đầu tư phát triển và không vay cho chi thường xuyên. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ, thẩm định chặt chẽ các dự án đăng ký sử dụng vốn vay, đặc biệt là các dự án vay mới.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, quản lý nợ công không chỉ ở tầm quốc gia, mà còn quản lý chặt chẽ ở cả 63 tỉnh thành phố: “Không chỉ tăng cường quản lý nợ công chính thức mà cả nợ công mang tính dự phòng như nợ xây dựng cơ bản hiện còn quá lớn. Bên cạnh đó, phải đổi mới phương thức phân bổ và quản lý sử dụng ngân sách địa phương, nhất là tỷ lệ chi thường xuyên và chi đầu tư. Đồng thời tăng cường thanh tra kiểm tra và tăng tính minh bạch hiệu và và trách nhiệm người đứng đầu địa phương cũng như dự án”.
Cũng theo Bộ Tài chính, cần sớm ban hành Nghị định của Chính phủ về kiểm toán nội bộ trong đơn vị sử dụng ngân sách. Đây là công cụ quan trọng để thúc đẩy hiệu quả chi tiêu công. Bên cạnh đó, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước và kiểm toán độc lập với các dự án ở các cấp chính quyền và đơn vị sử dụng ngân sách. Phát huy vai trò của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp đối với hoạt động sử dụng ngân sách, để từng đồng vốn ngân sách nhà nước được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, giảm gánh nặng nợ công./.
Tăng trưởng, nợ công, tín dụng làm “nóng” nghị trường trong tuần
Giảm gánh nặng nợ công bằng cách nào?