Trên chặng đường dài kể từ khi thống nhất đất nước cách đây 4 thập kỷ, Việt Nam trải qua không ít chông gai và thử thách trong sự nghiệp tái thiết và phát triển nền kinh tế do sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, những bất cập về chính sách và môi trường cạnh tranh quốc tế.
Tuy nhiên, nhờ thực hiện cải cách và nỗ lực chung của chính phủ và toàn thể nhân dân, Việt Nam đã đạt được những bước tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, và được ví như “ngôi sao đang lên” hay “con hổ mới” của khu vực Châu Á.
LHQ: GDP của Việt Nam tăng vượt bậc
Website của LHQ vừa đăng bài điểm lại những thành công của Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. LHQ đánh giá cao những cải cách về chính trị và kinh tế do Việt Nam tiến hành từ năm 1986.
Kể từ năm 1990, GDP của Việt Nam tăng gần gấp ba lần, tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm ước đạt 7,5% và liên tục tăng lên cho đến khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra năm 2008. Tỷ lệ phần trăm dân số sống dưới chuẩn nghèo đã giảm từ con số ước tính 58% năm 1993 xuống dưới 12% năm 2009. Các nguồn lực phát triển trong nước đã tăng lên, thương mại quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng mạnh mẽ.
LHQ nhận định, những chiến lược và nỗ lực của Việt Nam đã đưa đất nước từ chỗ là một trong những quốc gia nghèo khó đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và tăng trưởng nhanh chóng. Nhìn chung, những tiến bộ đạt được của Việt Nam trong những năm qua chủ yếu bắt nguồn từ những cải cách kinh tế được duy trì liên tục, sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.
WB: Việt Nam là câu chuyện thành công về phát triển
Trong báo cáo "Tổng quan về Việt Nam" (Vietnam Overview) trên website của mình, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, công cuộc đổi mới đã giúp Việt Nam vươn mình phát triển. Từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người dưới 100 USD, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình trong vòng 25 năm, với thu nhập đầu người lên tới 1.960 USD năm 2013.
Trong vòng 10 năm qua, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,4%/năm. Tuy tăng trưởng kinh tế còn thấp và nằm dưới mức tiềm năng nhưng Việt Nam đã thành công trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát giảm từ mức đỉnh 23% vào thời điểm tháng 8/2011 xuống còn 4,2% tháng 8/2014. Xuất khẩu vẫn là cỗ máy quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.
WB lưu ý, Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam tập trung vào cải cách cấu trúc, bền vững môi trường, bình đẳng xã hội cũng như các vấn đề mới nổi trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Mục tiêu tổng quát với Việt Nam là phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, WB cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần phải thực hiện tái cơ cấu kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh, thúc đẩy các mô hình tăng trưởng sáng tạo, cải cách hành chính và chống tham nhũng.
Bloomberg ví Việt Nam là “con hổ mới” của kinh tế châu Á
Theo hãng tin Bloomberg, kinh tế Việt Nam đang cho thấy những dấu hiệu bứt phá: Năm 2014, Việt Nam đã vượt qua các đối tác trong khu vực để trở thành nước dẫn đầu trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á về xuất khẩu sang Mỹ.
Bloomberg cũng đề cập đến việc các nhà lãnh đạo Việt Nam đang nỗ lực giải quyết những vấn đề gai góc nhất của nền kinh tế như nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch mà một quan chức Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã nói đến trong một cuộc phỏng vấn mới đây là sẽ bán một lượng kỷ lục cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước trong năm nay.
PricewaterhouseCoopers: Việt Nam có lợi thế về chi phí sản xuất rẻ
Hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) nhận định, Việt Nam đang có tiềm năng trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong giai đoạn đến năm 2050. PwC cho rằng Việt Nam không chỉ là quốc gia Đông Nam Á có lợi thế về chi phí sản xuất rẻ hơn thay thế nước láng giềng Trung Quốc, mà còn là điểm đến ổn định về chính trị cho những doanh nghiệp Nhật Bản đang muốn mở rộng đầu tư trong khu vực.
Theo báo cáo của PwC, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt nhịp độ 5,3% trong giai đoạn 2014-2050, trong khi mức tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 4%.
Ngoài ra, tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) dự đoán vào năm 2019, chi phí lao động sản xuất mỗi giờ tại Trung Quốc sẽ cao hơn 177% so với Việt Nam, tăng từ mức chênh lệch 147% năm 2012.
Los Angeles Times: Số lượng người giàu ở Việt Nam tăng lên nhanh chóng
Với số dân trên 90 triệu, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam không ngừng gia tăng, và quốc gia này đang là điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư nước ngoài.
Nhiều hãng xe sang như Bentleys và Mercedes cũng đang mở rộng kinh doanh tại Việt Nam chứng tỏ đây là thị trường tiềm năng của mặt hàng xa xỉ này.
Tờ Los Angeles Times nhận định, tài nguyên phong phú, chính trị ổn định, lao động giá rẻ chính là những nhân tố khiến Việt Nam ngày càng hút đầu tư nước ngoài.
Các thương hiệu thời trang lớn như Louis Vuitton, Cartier and Burberry cũng coi Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng, bên cạnh sự lấn sân của các “đại gia” kinh doanh đồ ăn, uống như McDonald's và Starbuck./.