Nếu như năm 2002, diện tích rừng tự nhiên ở đây là 127.800 ha, thì sau 10 năm, tỉnh này chỉ còn 58.600 ha. Nhiều sai phạm trong công tác quản lý đất lâm nghiệp tại Bình Phước trong một thời gian dài đã được báo chí phản ánh. Vậy, lãnh đạo tỉnh này đang làm gì để khắc phục những sai phạm đó?
“Cho thuê đất” không theo tiêu chí nào
Nhiều khu rừng tự nhiên ở các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bù Đốp hay Lộc Ninh đến thời điểm này đã biến thành những rẫy cao su. Ngay cả khu rừng phòng hộ Tà Thiết thuộc huyện Lộc Ninh có diện tích 12.500 ha, từng là căn cứ cách mạng cũng bị phá tan hoang. Hiện nay, khu rừng này chỉ còn 3.100 ha. Vậy mà tỉnh Bình Phước vẫn tiếp tục lập phương án trình Chính phủ chuyển đổi tiếp 2.000 ha nữa sang trồng cao su.
Lý do mà UBND tỉnh này đưa ra là do rừng Tà Thiết “nghèo kiệt” cần chuyển đổi. Trong khi đó, theo những người cao tuổi, những người từng sinh sống và chiến đấu ở đây, khu rừng này chưa bao giờ nghèo kiệt, ngay cả thời điểm này.
Theo ông Nguyễn Văn Kinh ở ấp 7, xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước: “Nói đất rừng ở Bình Phước nghèo kiệt, phải đem trồng cao su, tôi thấy điều đó không đúng. Ngược lại, bản thân tôi sinh ra ở đây, tôi sống từ nhỏ rồi tham gia cách mạng, tôi sống với rừng rú này. Bảo tôi dẫn đi, chỉ từng khu rừng có những cây gỗ gì, giá trị như thế nào tôi biết hết từng vùng. Rừng ở Bình Phước không có chỗ nào là nghèo kiệt hết. Là một chiến sỹ cách mạng, tôi rất đau lòng khi người ta cho là rừng nghèo kiệt và phá nó đi”.
Việc yếu kém trong công tác quản lý rừng và đất rừng ở Bình Phước đã kéo dài nhiều năm. Những sai phạm về công tác này ở Bình Phước hầu hết là do lỗi chủ quan và sự lạm dụng quyền hành của lãnh đạo địa phương.
Những khu rừng ở Bình Phước hiện đã bị xé lẻ và giao cho 8 Công ty cao su chuyển sang trồng cao su. Hàng chục doanh nghiệp và hơn 100 cán bộ lãnh đạo các cấp cũng “có phần”. Cái gọi là “cho thuê đất” ở Bình Phước không theo tiêu chí nào và không phải ai cũng biết. Trên thực tế, đó chỉ là cái cớ để hợp thức hóa việc chia chác đất đai của lãnh đạo tỉnh này. Trong đó, mỗi cán bộ cấp tỉnh được “cho thuê” từ 3-4 ha đến gần 10 ha. Thậm chí, có cả doanh nghiệp nước ngoài cũng được giao đất và cũng trồng cao su.
Ông Nguyễn Văn Tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết: “Trong diện tích đất này, tỉnh chủ trương là cho các doanh nghiệp dùng để trồng cao su tập trung. Trong đó cũng có một phần đất nhỏ lẻ được cho cá nhân thuê để trồng cao su. Việc này đều được thực hiện theo các quy định hiện hành”.
Quan chức có rất nhiều đất, dân khó kiếm đất làm ăn
Vào ngày 11/8 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã có cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban, ngành về việc cấp đất sản xuất cho các hộ dân theo chính sách an sinh xã hội. Trong cuộc họp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước báo cáo, toàn tỉnh còn 3.171 hộ thiếu đất hoặc không có đất sản xuất. Trong khi đó, theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, đến tháng 7/2014, Bình Phước có tới 8.000 hộ dân khó khăn có nhu cầu cấp đất sản xuất, với số lượng đất cần lên tới 6.148 ha.
Cũng trong cuộc họp đó, ông Nguyễn Văn Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước nói: “Hiện nay quỹ đất trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, việc tìm quỹ đất để cấp cho số lượng các hộ dân đã nêu trên là hết sức khó khăn". Do không thể sống nhờ rừng, nhiều người chỉ còn cách đi làm thuê để kiếm sống qua ngày.
Theo Anh Trịnh Văn Tạc, người dân ở xã An Phú, huyện Hớn Quản: “Người dân ở đây rất nghèo, người nào người nấy đi làm mướn không à. Tôi không biết là chính sách giao đất của tỉnh như thế nào, nhưng quan chức thì có rất nhiều đất. Trong khi đó, dân ở đây mà kiếm được 1 ha để sản xuất là rất khó vì tới 400-500 triệu đồng/ha, không thể mua nổi. Tôi là người dân, tôi thấy nếu mà những hộ nghèo ở đây mà được cho thuê 1-2 ha trong 30 đến 50 năm thì cuộc sống đỡ biết bao”.
Với mức độ nghiêm trọng của những sai phạm trong công tác quản lý đã kéo dài nhiều năm nay, tỉnh Bình Phước đang loay hoay tìm cách khắc phục. Để lập lại trật tự trong công tác quản lý đất lâm nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã thu hồi hơn 7.000 ha đất rừng trong các dự án chuyển đổi sang trồng cao su trên diện tích đất bị xâm canh và đất rừng nghèo kiệt.
Mới đây nhất, tỉnh Bình Phước thu hồi 3 dự án sử dụng đất không có hiệu quả của 3 doanh nghiệp là Hải Vương, Kinh Thành và Trầm Hương Việt Hải với diện tích hơn 1.000 ha. Tỉnh cũng đang làm thủ tục thu hồi đất dự án trồng rừng của Công ty trách nhiệm Hữu hạn Vina Phygen (100% vốn đầu tư Hàn Quốc) với diện tích 671 ha để phân bổ cho các hộ nghèo thiếu đất sản xuất tại huyện Bù Đăng.
Thế nhưng, tại tỉnh này vẫn còn tới hơn 200 dự án chưa thể thu hồi với tổng diện tích gần 40.000 ha. Đây là những dự án được giao cho các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng, chủ yếu để trồng cao su từ nhiều năm nay. Do vướng mắc về cơ sở pháp lý và trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, tỉnh Bình Phước vẫn chưa đưa ra được những biện pháp hiệu quả để thu hồi và sử dụng đất rừng để phát triển kinh tế và an sinh xã hội tại địa phương.
Ông Hoàng Nhật Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước nói: “Nếu trong quá trình thực hiện có những thiếu sót, chúng ta phải nhìn nhận đúng tại sao nó thiếu sót, tại thời điểm đó thì việc làm đó như thế nào. Tất nhiên, trong quá trình giữ rừng, cũng có thể bị mất rừng, cũng có thể bị mất đất. Nhưng với những điều kiện như thế nào, với những đối tượng nào thì chúng ta phải nhìn nhận một cách rõ ràng”.
Những sai phạm trong công tác quản lý rừng và đất rừng ở Bình Phước thì đã rõ. Một số lãnh đạo, trong đó có Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh này cũng đã bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, đó chỉ là con số ít ỏi trong hàng loạt sai phạm của nhiều cán bộ, đảng viên. Vấn đề đặt ra là Bình Phước sẽ làm gì để tiếp tục thu hồi, quản lý và sử dụng có hiệu quả hàng chục ngàn héc ta đất đang đem lại lợi ích cho một nhóm người, trong đó có không ít là lãnh đạo địa phương./.