Ngày 22/5, tại thành phố Yokohama, Viện nghiên cứu lý hóa Nhật Bản (gọi tắt là Viện Riken), một trong những viện nghiên cứu hàng đầu của Nhật Bản về hóa học, vật lý, sinh học, y học, công nghệ... đã ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu sắn biển đổi gen với Viện di truyền nông nghiệp Việt Nam nhằm tạo ra một loại sắn có hiệu quả kinh tế cao. Lễ ký có sự tham dự của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đang có chuyến thăm Nhật Bản.

Phát biểu tại lễ ký, ông Kenji Oeda, thành viên Ban giám đốc Viện nghiên cứu lý hóa Nhật Bản khẳng định, Việt Nam là một đối tác quan trọng của viện trong khu vực Đông Nam Á. Các nghiên cứu chung giữa hai nước sẽ góp phần giải quyết các vấn đề đặt ra tại châu Á. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp đang được các nhà khoa học hai nước có cùng mối quan tâm chung.

Ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện di truyền nông nghiệp Việt Nam cho biết, cây sắn được xác định là một cây nhiên liệu sinh học thích hợp duy nhất cho Việt Nam. Sắn đã trở thành một trong 10 mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu trong năm 2012 đạt tới 1,2 tỷ USD.

Giáo sư Kazuo Shinozaki, Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc dự án cho biết, các nhà khoa học của hai Viện sẽ cùng nghiên cứu để đưa một loại gen vào cây sắn nhằm tăng cường khả năng tổng hợp tinh bột, từ đó tạo ra một giống sắn có chất lượng cao.

Giáo sư Shinozaki nói: “Sắp tới sẽ có một phòng thí nghiệm chung tại Việt Nam. Đây là cơ sở để các nhà nghiên cứu Nhật Bản đến Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ mời các nhà nghiên cứu của Việt Nam đến Nhật Bản. Tôi hy vọng sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên sẽ giúp thúc đẩy dự án nghiên cứu này”.

Tại lễ ký kết, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ hy vọng dự án sẽ thành công, tạo tiền đề quan trọng cho các hợp tác nghiên cứu trên lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước./.