Thời gian gần đây, dư luận xã hội quan tâm nhiều đến việc quân đội làm kinh tế. Để làm rõ hơn nội dung này, nhóm phóng viên VOV đã ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, chính trị gia và chuyên gia quân sự.
Tại buổi tọa đàm do Báo Quân đội Nhân dân tổ chức mới đây, TS. Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) khẳng định: Tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là một chức năng, nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài, thể hiện bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng khẳng định, việc quân đội làm kinh tế là rất rõ ràng. |
“Để bảo đảm quốc phòng an ninh quốc gia, tạo nên thế trận phòng thủ, quân đội đã hình thành các đoàn kinh tế quốc phòng để thực hiện nhiệm vụ này. Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, quân đội phải triển khai trên dọc tuyến biên giới 33 khu kinh tế quốc phòng, nhưng nếu khi có chiến tranh, các đơn vị này lập tức trở thành đơn vị chiến đấu. Đây chính là một trong những nội dung quan trọng của quân đội thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế”, ông Thắng nêu rõ.
TS. Nguyễn Minh Phong, Phó trưởng Ban tuyên truyền lý luận, Báo Nhân dân cho rằng, hiện đang có nhiều doanh nghiệp quân đội có mô hình, tư duy mới và có lợi thế cao trong một số lĩnh vực như ngành đóng tàu, công nghiệp hỗ trợ và chế tạo cơ khí chính xác, công nghệ thông tin và viễn thông, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao…
Tuy nhiên, theo ông Phong, vấn đề nào cũng có mặt trái của nó. Trên thực tế, những hiện tượng vi phạm pháp luật, gây thất thu ngân sách, làm méo mó môi trường cạnh tranh thị trường bình đẳng và lành mạnh không phải không có. Vì vậy, quân đội cũng cần tiếp tục mạnh tay loại trừ hiện tượng cá nhân lợi dụng danh nghĩa quân đội để làm giàu cho bản thân.
“Xây dưng cơ chế kiểm soát quyền lực, đảm bảo lợi ích quân đội làm kinh tế, phục vụ cho quân đội và quốc gia, không phải phục vụ cho ai đó. Cần cảnh giác với những mặt trái của quân đội làm kinh tế. Người làm kinh tế giàu hơn quân đội dân sự thuần túy sẽ tạo nên sự phân biệt đẳng cấp nhà giàu - nhà nghèo. Tiếp đó là sự lạm dụng xe biển đỏ, quyền lực, bí mật quân sự để làm giàu sẽ cần phải nhận diện và loại trừ”, TS. Nguyễn Minh Phong nêu rõ.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng khẳng định, việc quân đội làm kinh tế là rất rõ ràng, thể hiện trong 2 văn bản chiến lược là Cương lĩnh của Đảng và Điều 68, Hiến pháp 2013. Khi quân đội làm kinh tế hướng tới 4 mục là gia tăng sức mạnh của quân đội và sức mạnh tổng hợp của quốc gia; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, trong đó có nền kinh tế quốc phòng; tận dụng tiềm lực, tiềm năng của đất nước về mọi mặt; từng bước nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
Khi làm kinh tế, quân đội sẽ phải gánh vác những nhiệm vụ chính trị xã hội mà không ai có thể làm được, thậm chí cả doanh nghiệp nhà nước cũng khó đảm đương.
Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, quân đội làm kinh tế là cần thiết, song cũng cần phải quy định trong khuôn khổ pháp luật nhất định, không thể áp dụng cơ chế kinh tế thị trường một cách đơn thuần.
“Các đơn vị làm kinh tế phải có tổng kết căn cơ, nhất là trong 30 năm đổi mới. Chủ trương diễn biến như thế nào, đã làm được cái gì, cái dở, cai hay tốt để có căn cứ để xác nhận. Nhà nước khi thông qua Đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, cần xây dựng bộ thể chế riêng cho công nghiệp quốc phòng vì đây là ngành đặc thù. Quy định riêng ở đây không phải là ưu ái mà là phù hợp cho từng loại hình hoạt động, vì nếu áp dụng chun`g dễ dẫn đến vi phạm, hoặc cứng nhắc”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định.
Mới đây, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, không phải đến hôm nay, mà từ khi thành lập Quân đội, Bác Hồ đã dạy và giao nhiệm vụ rất rõ cho Quân đội là một đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất.
Theo đó, đội quân sản xuất của quân đội trước hết là các xí nghiệp quốc phòng sản xuất trực tiếp vũ khí và trang bị quốc phòng; các đoàn kinh tế quốc phòng trồng cao su, trồng rừng, làm nông nghiệp, trồng cà phê, giúp dân làm kinh tế và bảo vệ đường biên, mốc giới… và các doanh nghiệp quốc phòng đi đầu về khoa học công nghệ để áp dụng trong sản xuất trang bị cho quân đội.
Tuy nhiên, tướng Vịnh cũng thừa nhận, bên cạnh những doanh nghiệp mẫu mực, đóng góp tích cực cho quốc phòng, vẫn có những doanh nghiệp quốc phòng làm ăn không đứng đắn. Quan điểm của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đối với những doanh nghiệp này là dứt khoát phải loại bỏ, chấn chỉnh.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng |
“Quân đội đã từng có gần 200 doanh nghiệp, vừa qua đã rút xuống còn hơn 80 và trong đề án do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng báo cáo chính phủ, hiện vãn còn 17 doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nào thực sự cần thiết, thực sự làm ăn đứng đắn, thực sự tuân thủ luật pháp thì mới được tồn tại”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ.
Từ đầu năm 2016, trong quá trình rà soát, chấn chỉnh doanh nghiệp quân đội, Bộ Quốc phòng đã chỉ thị thu hồi toàn bộ biển đỏ của các xe làm kinh tế. Theo đó, mỗi doanh nghiệp chỉ được một xe biển đỏ để chỉ huy đi công tác, tuyệt đối không được dùng vào hoạt động kinh tế, hoạt động có thu./.
Quân đội làm kinh tế: Nên hay không nên?