Việc quy hoạch vùng nuôi và thực hiện nuôi thủy sản theo đúng quy hoạch đang là vấn đề nóng của các địa phương ven biển. Tại tỉnh Phú Yên, công tác quy hoạch vùng nuôi thủy sản đã được tiến hành từ nhiều năm nay nhưng thực tế, diện tích mặt nước đã quy hoạch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi trồng thủy sản của người dân.
Nằm ở vị trí có núi che kín gió, mặt nước ở vịnh Vũng Rô, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên rất thuận lợi cho việc nuôi tôm hùm, cá mú, cá hồng. Khi được mùa, giá tôm hùm lên tới 1,6 - 1,8 triệu đồng/con. Hiệu quả kinh tế cao khiến số hộ nuôi thủy sản bằng lồng bè tại đây gia tăng nhanh chóng. Từ 5.000 lồng nuôi năm 2016, đến nay đã lên hơn 13.500 lồng. Đây là vùng tạm, nên việc bố trí các lồng nuôi ở vị trí nào, khoảng cách ra sao, nuôi những đối tượng nào hoàn toàn do người nuôi tự quyết.
Nuôi trồng thủy sản bền vững là bài toán đặt ra với chính quyền địa phương |
Ông Trần Văn Lan, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa cho biết, khi có hiện tượng tôm nuôi chậm lớn hay dịch bệnh xảy ra, người nuôi cũng tự xử lý theo kinh nghiệm của mình.
Tỉnh Phú Yên hướng tới nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, áp dụng công nghệ hiện đại. Theo đó, phải di chuyển các vùng nuôi thủy sản tới vùng biển hở và giai đoạn tiếp theo là nuôi biển khơi song song với các mô hình nuôi thủy sản trên bờ. Chủ trương này được người nuôi trồng thủy sản ủng hộ.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, người nuôi tôm huyện Đông Hòa cho hay, vấn đề khiến nhiều người băn khoăn là họ chưa hình dung ra việc nuôi thủy sản ở vùng biển hở và biển khơi được làm như thế nào. Bởi những mô hình nuôi thí điểm ở vùng biển xa bờ hiện vẫn còn rất ít.
“Chúng tôi cũng muốn có một vùng nào mà an toàn hoặc là 1 một chính sách nào đấy để bà con có sự đầu tư vững vàng và yên tâm”, ông Nguyễn Hoàng Tuấn nói.
Mô hình nuôi tôm hùm của người dân Phú Yên |
Câu chuyện chuyển đổi nghề phù hợp là phải hỗ trợ người nuôi thủy sản phát triển theo hướng bền vững hơn. Trong năm nay, tỉnh Phú Yên tiến hành di dời các hộ nuôi thủy sản ngoài quy hoạch vào vùng tạm thời. Các vùng quy họach nuôi thủy sản tạm thời sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Đây sẽ là cơ sở để các địa phương phân bổ được số lượng lồng nuôi, đối tượng nuôi là gì, số lượng bao nhiêu là phù hợp với môi trường ở đó.
“Cũng nên điều chỉnh, thay vì giúp ngư dân đóng những con tàu mới để khai thác xa bờ thì hãy giúp cho ngư dân có thể làm những cấu kiện nổi hay những lồng nuôi thủy sản ở xa bờ, như vậy vừa đảm bảo an toàn vừa giảm đi áp lực nguồn lợi thủy sản suy kiệt và các nguy cơ khác. Tôi nghĩ rằng việc hỗ trợ tài chính như cơ chế 67 dành cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở vùng biển khơi là vấn đề nên có sự bổ sung và nên có sự hỗ trợ”, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đề xuất./.
Xử lý nghiêm các hành vi nuôi trồng thủy sản trái quy hoạch
Xuất khẩu thủy sản giảm so với cùng kỳ