Trong phiên chất vấn thành viên Chính phủ sáng nay (16/11) tại Hội trường Quốc hội, bổ sung phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về việc kiểm soát và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đến năm 2015 nợ công của Việt Nam đã sát trần, dư nợ vượt trần cho phép, tỷ lệ chi trả nợ vay cao hơn mức tiêu chuẩn quốc tế.

Trong bối cảnh đó, Đại hội Đảng đánh giá và xác định nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn đến 2020 với nhiệm vụ kép là vừa đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, vừa tập trung giải quyết yếu kém tích tụ nhiều năm. Trong điều kiện dư địa chính sách tài chính, tiền tệ hẹp, đây là vấn đề nan giải đặt ra cho cả hệ thống chính trị.

“Nhiều thành viên của Chính phủ và Đại biểu Quốc hội đã khuyến cáo Chính phủ trình Trung ương và Quốc hội nới trần nợ công để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tính toán kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố và quan trọng là khả năng trả nợ. Tổng trả nợ từ ngân sách và vay trả nợ không được quá 25% so với tổng thu ngân sách. Do đó, Chính phủ nói không với tăng trần nợ công”, Phó Thủ tướng cho biết.

vdh_sade.jpg
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời một số vấn đề các ĐBQH quan tâm
Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng đề án cơ cấu nợ công. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì lần đầu tiên Bộ Chính trị có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Chính phủ cũng trình Quốc hội ban hành các nghị quyết về đầu tư công trung hạn, ngân sách trung hạn.

Cụ thể là cơ cấu lại khoản thu ngân sách, giảm từ khai thác dầu thô sang tăng xuất nhập khẩu và thu nội địa. Phấn đấu chi thường xuyên dưới 64% và giảm bội chi. Nợ công đến 2020 là không quá 65%GDP.

Trên cơ sở nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết 51 về chương trình hành động. Theo đó, quan điểm đặt trong tổng thế ổn định kinh tế gắn với tăng trưởng; tiết kiệm chống lãng phí, coi tiết kiệm là quốc sách hàng đầu; giải quyết hài hoà vấn đề cấp bách với vấn đề căn cơ lâu dài; tăng cường công khai minh bạch, giải trình nhất là với người đứng đầu; hạn chế tiến tới xoá bỏ tình trạng xin – cho.

Về biện pháp chính, kiên định phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, tạo nguồn thu vững chắc, nhịp nhàng các chính sách vĩ mô. Đây được coi là giải pháp của mọi giải pháp; Đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chính phủ tán thành ý kiến đại biểu quốc hội rằng vay không quan trọng mà quan trọng là hiệu quả sử dụng vốn vay. Việt Nam vay để không thể tụt lại nhưng phải phát triển bền vững đối với ba trụ cột kinh tế- xã hội và môi trường, trong đó có nợ công.

Tiếp đó là việc tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về nghĩa vụ nộp thuế, sử dụng nợ công, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm lãng phí. 

Cùng với đó là việc tập trung cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý nợ công, bảo đảm an toàn bền vững nền tài chính quốc gia theo hướng: Hoàn thiện chính sách thu hướng tới bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn cơ sở thuế, tăng cường chống thất thu và giải quyết nợ đọng thuế để tăng thu hơn là tăng thuế suất và đây là chủ trương của Chính phủ. 

Phó Thủ tướng cho rằng, việc giảm thuế quan phải tính toán điều chỉnh các khoản thu thuế nội địa, các khoản thu liên quan tới VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp là hết sức thận trọng.

Cần giảm thuế để nuôi dưỡng nguồn thu, do đó, thay cho việc trước mắt bị hụt khoản thu thì phải đi sâu vào mở rộng cơ sở thuế và chống sói mòn cơ sở thuế, nhất là quản lý chứng từ hoá đơn và quản lý khu vực kinh tế phi thức thức để có nguồn thu lâu dài.

Trong chống gian lận thuế với khối doanh nghiệp FDI, phải đẩy mạnh hơn việc chống chuyển giá, thực hiên đăng ký giá trước theo luật quản lý thuế. Với thu nội địa thì tăng cường quản lý kinh tế phi chính thức, tăng cường chế độ hoá đơn điện tử. Với hải quan có 2 vấn đề trọng điểm là áp đúng mã HS và kê khai giá tính thuế.

“Cần từng bước cơ cấu lại chi ngân sách, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Trước đây mỗi năm chi thường xuyên chiếm tới gần 70% tổng mức chi ngân sách nhà nước thì năm 2017 chỉ còn chiếm 64,9% và dự kiến năm 2018 giảm còn 64% và tiếp tục giảm trong những năm tới”, Phó Thủ tướng nêu rõ. 

Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội sửa Luật quản lý nợ công, bảo đảm công cụ chính sách chỉ tiêu giám sát nợ công, tập trung cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng nợ trong nước và giảm nợ nước ngoài để giảm rủi ro.

Chuyển nợ ngắn hạn thành dài hạn, chuyển khoản nợ lãi cao sang các khoản nợ lãi thấp, giảm nợ chính phủ bảo lãnh, lấy dư địa tăng các khoản vay khác của Chính phủ.

Trong năm 2016 Chính phủ chỉ duyệt cấp 1 dự án cấp bảo lãnh 176 triệu USD và 9 tháng qua Chính phủ chưa cấp bão lãnh nào. Đi liền với đó là giảm vay cấp phát mà cho vay lại với chính quyền địa phương và khối sự nghiệp./.