Trong phiên chất vấn tại Nghị trường sáng nay (16/11), đại biểu Trương Anh Tuấn (đoàn Nam Định) nêu thực tế: Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đang diễn ra, cản trở phát triển, sản xuất, gây cạnh tranh không lành mạnh.

Ông Tuấn chất vấn “tư lệnh” ngành tài chính: Để phát triển bền vững, Bộ Tài chính sẽ triển khai giải pháp gì để chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả?

truong_anh_tuan_ybgh.jpg
Đại biểu Quốc hội Trương Anh Tuấn

Ngoài ra, đại biểu Trương Anh Tuấn cho rằng, đảm bảo tốt công tác thu mới đảm bảo chi. Nhưng thu thuế năm nay thấp nhất trong 3 năm gần đây do doanh nghiệp kê khai nộp thuế không đầy đủ, nhiều doanh nghiệp còn nợ thuế. Ông Tuấn hỏi Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định thế nào về tình trạng nợ thuế hiện nay và biện pháp nào để khắc phục?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu và hàng giả không làm thay bộ, ngành và địa phương mà chỉ xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra đôn đốc và xử lý việc phức tạp. Ban chỉ đạo có quy chế làm việc và phối hợp các ngành.

Các lực lượng vào cuộc đồng bộ (gồm: Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, Thuế, Thanh tra chuyên ngành...). Kết quả từ 2016 đến tháng 10/2017 cho thấy, các lực lượng phát hiện và xử lý thu nộp ngân sách 39.604 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận một số tồn tại do tình hình diễn biến hiện nay phức tạp, chính sách hiện nay vẫn còn chồng chéo.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng

Để khắc phục, theo ông Dũng, Ban chỉ đạo 389 thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, tham mưu ký các kế hoạch chuyên đề về phòng chống buôn lậu, ban hành tiêu chí đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ; tăng cường nắm tình hình điều tra cơ bản, xây dựng kế hoạch chuyên đề, đấu tranh trọng tâm, trọng điểm ổ nhóm, nhất là dịp Tết.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh đến việc kịp thời kiến nghị sửa đổi các chính sách, tuyên truyền về công tác chống hàng lậu, hàng giả đến tận người dân để người tiêu dùng không dùng hàng kém chất lượng, hàng giả.

Tình hình hàng lậu, hàng giả diễn biến ngày càng phức tạp (Ảnh minh họa: KT)

Về vấn đề chống thất thu thuế và giải pháp xử lý nợ thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ: Bản kê khai thuế gửi tới hộ gia đình tự khai, rồi hội đồng ở xã phường xét duyệt, sau đó ra thông báo gửi tới từng hộ, được thông báo tại trụ sở phường hoặc cơ quan thuế và hộ kinh doanh. Khoán một năm nhưng có tăng thu thì sẽ được điều chỉnh.

Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp tự tính, tự khai, tự nộp thuế. Hoá đơn thì doanh nghiệp tự in hoặc mua của cơ quan thuế. Hiện có hai thói quen là: người mua ít lấy hoá đơn và trả tiền mặt.

Bộ trưởng Dũng cho hay, hiện nay, công nghệ thông tin đã được đưa vào áp dụng thuế khoán. Bộ Tài chính đang xây dựng nghị định về hoá đơn điện tử cùng kê khai tự tính tự nộp thì việc hoá đơn điện tử vô cùng quan trọng. Kết quả bước đầu trong triển khai thí điểm là tốt.

Nghị định này sẽ trình Chính phủ ban hành trong năm nay. Khi đó, doanh nghiệp sử dụng hoá đơn có xác thực của cơ quan thuế thì sẽ quản lý tốt hơn. Cùng với đó sẽ đẩy mạnh tuyên truyền người dân mua hàng lấy hoá đơn. Nếu làm mạnh nữa thì việc đăng ký mã số thuế cần được coi là điều kiện thành lập doanh nghiệp, ông Dũng khẳng định.

Số thu nợ đọng thuế giảm dần qua các năm, số thu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016 giảm 81% số thuế cần thu hồi. Năm 2011 thu được 20.036 tỷ đạt 85% số tiền nợ thuế của cuối 2010; năm 2013 thu 27.000 tỷ; 2014 thu 31.900 tỷ; 2015 là 37.582 tỷ; 2016 là hơn 42.000 tỷ. Và 10 tháng 2017 thu được 39.894 tỷ, đạt 81%. 

Tỷ trọng nộp thuế trên tổng thu ngân sách cũng giảm dần, năm 2011 là 4,4%: 2015 7,7%; 2016 6,7% và 31/10/2017 là 6,1% tổng thu ngân sách... Tỷ lệ nợ thuế có khả năng thu hồi tới 31/10/2017 còn 4,9% so với mức 5,6% năm 2016 và 7,7% năm 2015.

Tổng số tiền nợ thuế hiện còn 73.930 tỷ đồng, tiền nợ thuế có khả năng thu hơn 27.640 tỷ, giảm 10,3% so với cuối 2016; tiền phạt, chậm nộp 18.361 tỷ tăng 0,7% so với 2016... Trong cơ cấu chỉ có 37,4% nợ có khả năng thu hồi, còn lại gần 62% là không có khả năng thu hồi do doanh nghiệp phá sản./.