Sáng 20/5, tại phiên khai mạc kì họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2014, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những biến động phức tạp, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn.
Năm 2014, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp. Tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch đề ra, mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối tương đối ổn định; cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục thặng dư; dự trữ ngoại tệ nhà nước tăng mạnh và đạt mức cao nhất so với trước đây.
Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, là năm thứ ba liên tục có xuất siêu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng cao. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và giải ngân vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi đạt khá. Niềm tin vào nền kinh tế của các doanh nghiệp được phục hồi.
Nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, năng suất, sức cạnh tranh, môi trường kinh doanh từng bước được cải thiện.
Năm 2014, lạm phát được kiểm soát thấp. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013 là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Năm 2014 kinh tế - xã hội nước ta phát triển với những tín hiệu tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất. Tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,98% (số đã báo cáo Quốc hội là trên 5,8%), cao hơn mức tăng 5,42% của năm 2013 và 5,25% của năm 2012.
So với cuối năm 2013, mặt bằng lãi suất năm 2014 giảm 1,5-2%/năm. Đến cuối năm 2014, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm khoảng 3,9% tổng dư nợ cho vay VND. Thặng dư cán cân thanh toán quốc tế ở mức cao đã giúp duy trì sự ổn định của thị trường và tỷ giá ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại tệ của nhà nước.
“Tổng thu Ngân sách Nhà nước tăng 10,3% so với dự toán song tổng chi Ngân sách Nhà nước năm 2014 cũng tăng 8% so với dự toán. Bội chi Ngân sách Nhà nước năm 2014 giữ ở mức Quốc hội quyết định 224.000 tỷ đồng, bằng 5,69% GDP thực hiện”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Về đầu tư phát triển, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2014 đạt 1.220,7 nghìn tỷ đồng, bằng 31% GDP, vượt kế hoạch đề ra, cao hơn số đã báo cáo Quốc hội.
Giải ngân ODA năm 2014 có những cải thiện đáng kể. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới tăng 14%. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới và tăng thêm 98,1% cùng kỳ năm 2013; số vốn giải ngân đạt 12,5 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2013. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Tăng trưởng GDP Quý I/2015 tăng cao nhất trong 5 năm qua
Báo cáo về tình hình kinh tế 4 tháng đầu năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng tăng bình quân 0,8%, lạm phát cơ bản tháng 4 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu NSNN thực hiện 4 tháng đầu năm ước đạt 314,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán.
Mặc dù thu từ dầu thô đạt thấp do giá dầu giảm mạnh nhưng tiến độ thu NSNN 4 tháng đầu năm vẫn đạt khá. Tổng chi Ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 362,7 nghìn tỷ đồng, bằng 31,6% dự toán. Tăng trưởng GDP Quý I/2015 ước đạt 6,03%, là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, do vậy nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2015 là rất nặng nề, có ý nghĩa rất quan trọng đến việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011-2015 và tạo cơ sở cho việc phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn 2016-2020.
Để đạt được các mục tiêu đó, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các cấp, các ngành, căn cứ nhiệm vụ, chức năng của mình tập trung chỉ đạo rà soát giảm mạnh thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, xây dựng, thủ tục đầu tư, tiếp cận điện năng, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Các cấp ngành tổ chức triển khai Nghị định của Chính phủ về hợp tác công tư; ban hành các hướng dẫn và các cơ chế chính sách, các điều kiện cần thiết tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhằm góp phần thực hiện đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.
Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước khỏi những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ. Giảm tỷ lệ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà nhà nước không cần giữ chi phối để cổ phần hóa thực sự phát huy hiệu quả, đổi mới quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để thực hiện các đề án tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong năm nay, phải cổ phần hóa 289 DNNN để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 432 DNNN trong giai đoạn 2011-2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành chặt chẽ, có hiệu quả./.