Hội nghị phát triển thương mại biên giới Việt Nam-Campuchia lần thứ 4 vừa khai mạc ngày 28/11 tại tỉnh Kampong Cham (giáp với tỉnh Bình Phước và Tây Ninh của Việt Nam). Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cùng lãnh đạo Bộ Thương mại Campuchia và đại diện các tỉnh giáp biên giới hai nước đã tham dự hội nghị.     

Hoi-nghi-2.jpg

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu trước 300 đại biểu của hai nước dự hội nghị được tổ chức luân phiên hàng năm, Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Campuchia, ông Keo Sok Nay nêu bật những kết quả về mặt chính trị, kinh tế, xã hội mà các tỉnh giáp biên giới Campuchia- Việt Nam đạt được thông qua việc trao đổi thương mại song phương. Hoạt động đầu tư có hiệu quả của các doanh nghiệp Việt Nam đã góp phần vào thành công của chính sách phát triển đất nước do Chính phủ Hoàng gia Campuchia đề ra.

Về kết quả hợp tác cụ thể trong thời gian qua giữa các tỉnh giáp biên giới 2 nước, ông Keo Sok Nay khẳng định đã có bước phát triển mạnh mẽ. Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Campuchia đề nghị Chính phủ và Bộ Công thương Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện cho các công ty Việt Nam đầu tư mạnh vào các đặc khu kinh tế dọc theo biên giới hai nước. Đồng thời, xem xét việc đẩy mạnh thu mua nông sản cho nông dân Campuchia như: lúa gạo, sắn, đỗ tương, hạt điều và cao su.

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh giáp biên giới và các doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia đã cùng nhau nêu lên những yếu tố thuận lợi cũng như những vấn đề còn tồn tại để tìm kiếm biện pháp thúc đẩy thương mại hai chiều.

Việt Nam và Campuchia có đường biên giới chung dài hơn 1.130km. Trong đó có 10 tỉnh của Việt Nam giáp với 9 tỉnh của Campuchia với 10 cặp cửa khẩu quốc tế và nhiều tuyến đường nối liền các tỉnh giáp biên. Chính phủ hai nước cũng đề ra nhiều chính sách ưu đãi về thuế quan và vận tải hàng hóa cho doanh nghiệp 2 nước.

Đại biểu tham dự Hội nghị

Tuy nhiên, việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu cũng như thời gian giải quyết thủ tục giấy tờ liên quan trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới giữa Campuchia và Việt Nam vẫn chưa thực sự đáp ứng được tốc độ phát triển kinh tế thương mại hiện nay. Nhiều ý kiến tại hội nghị yêu cầu Hải quan hai nước thường xuyên có các cuộc họp với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh.

Các đại biểu cũng bàn về vấn đề khảo sát xây dựng các khu thương mại và chợ đường biên để tạo điều kiện cho người tiêu dùng hai nước dễ dàng tiếp cận hàng hóa và dịch vụ, góp phần thực hiện thành công mục tiêu nâng giá trị mậu dịch song phương đạt 2,1 tỷ USD năm nay lên 3 tỷ USD vào năm 2015./.