Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (14/11/1945-14/11/2015), phóng viên VOV phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát về những thành tựu cũng như những giải pháp để tăng sức cạnh tranh của ngành trong giai đoạn hiện nay.

PV: Nhìn lại 70 năm phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam, xin Bộ trưởng cho biết những thành tựu nổi bật mà ngành đã đạt được trong thời gian qua?

phat_beo_lrgn.jpg
Bộ trưởng Cao Đức Phát

Ông Cao Đức Phát: Trong thực tế, ngành nông nghiệp luôn luôn bám sát những diễn biến trong cuộc sống về thời tiết, về thị trường, về tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tìm ra những cách làm phù hợp. Chính những chủ trương, chính sách phù hợp với lòng dân, phù hợp với điều kiện của đất nước và từng vùng đã làm cho nông nghiệp nước ta phát triển một cách có hiệu quả và đáp ứng được mong đợi của nhân dân.

Tôi cho rằng, để cống hiến có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp trước hết phải có tấm lòng với nông dân, tấm lòng với đất nước. Ở đất nước đa số là nông dân có nguồn lực và khả năng kinh tế nhiều hạn chế trong suốt 70 năm qua, chính sự quan tâm thường xuyên sâu sắc của Đảng và Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền các cấp cùng với các đoàn thể hỗ trợ nông dân đã giúp cho nông nghiệp phát triển và cải thiện nhanh đời sống của nông dân, và nông thôn đã có những bước phát triển vượt bậc.

PV: Sau 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp đang triển khai quyết liệt tái cơ cấu ngành. Xin Bộ trưởng cho biết, đâu là những việc cần làm ngay để giải quyết những khó khăn đã nhìn thấy thời gian qua?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Nông nghiệp nước ta có bước phát triển mạnh mẽ, nhưng chủ yếu phát triển sản xuất nguyên liệu thô, thiếu sự gắn kết với thị trường. Để giải quyết tồn tại lớn đó, trong giai đoạn tới phải tập trung vào việc tổ chức lại sản xuất. tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ kinh tế hộ lớn mạnh, chuyển sang sản xuất hàng hóa với hiệu quả cao hơn, nhưng mặt khác phải tập trung cao để tạo ra một môi trường thuận lợi, khuyến khích mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn để liên kết và hỗ trợ nông dân, định hướng sản xuất theo sát các yêu cầu của thị trường, tổ chức chế biến và tiêu thụ nông sản do nông dân làm ra một cách có hiệu quả.

PV: Kết thúc đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), xin Bộ trưởng cho biết ngành đã chuẩn bị gì để tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay?

Ông Cao Đức Phát: Để cạnh tranh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cần tập trung cao hơn việc phát huy những lợi thế so sánh của đất nước, trong đó phát triển những sản phẩm chúng ta có khả năng cạnh tranh tương đối cao như: lúa gạo, cà phê, cao su, cá, tôm, hồ tiêu, hạt điều… Đồng thời, tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết và làm cơ sở để thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất các ngành hàng đó.

Chúng tôi xác định phát triển doanh nghiệp là khâu đột phá để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Chính vì thế Bộ tập trung chỉ đạo các cơ quan thuộc rà soát các khâu theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Về thủ tục hành chính Bộ chỉ đạo phải rà soát, loại bỏ, đơn giản hóa giảm đến mức tối thiểu về chi phí, thời gian, tiền bạc cho hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ tin học, rà soát các loại phí, lệ phí để chuẩn bị thực hiện theo tinh thần của Luật mà Quốc hội sẽ ban hành và đẩy nhanh việc thực hiện các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, rồi cùng Tổng cục Hải quan xây dựng hệ thống hải quan một cửa, kèm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng làm minh bạch hóa và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

PV: Cảm ơn Bộ trưởng!