Theo Chiến lược, kế hoạch, định hướng các ngành kinh tế của Việt Nam đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong thời gian tới, Việt Nam khuyến khích đầu tư những dự án có trình độ công nghệ cao, tiên tiến, đảm bảo về môi trường gắn liền với phát triển bền vững.

Chính vì thế, việc xúc tiến đầu tư công nghiệp và thương mại công nghệ cao sẽ tạo ra các cơ hội trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thiết lập các chính sách ưu đãi đối với các dự án công nghiệp công nghệ cao, định hướng phát triển kinh tế của địa phương cũng như kết nối các nhà đầu tư nước ngoài với các địa phương, khu công nghiệp và doanh nghiệp (DN) Việt Nam tiếp nhận công nghệ cao cũng như chuyển giao công nghệ tiên tiến và cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

vov_tung_zogh.jpg
Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc sản phẩm BKAV SmartHome thuộc Tập đoàn BKAV đánh giá cao chính sách hỗ trợ DN đầu tư công nghệ cao.
Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc sản phẩm BKAV SmartHome thuộc Tập đoàn BKAV nhận xét, thời gian gần đây, chính sách hỗ trợ DN phát triển sản phẩm công nghệ cao đã có những chuyển biến hết sức tích cực mang tính thực tiễn nhiều hơn, từ đó có thể giúp cho nhiều DN đưa sản phẩm tiếp cận với thị trường toàn cầu.

“Nếu như trước kia DN công nghệ cao phải tự chủ động mày mò tìm hiểu, liên hệ, đàm phán, tìm kiếm đối tác thì hiện nay, các DN đã dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm lĩnh vực đầu tư phát triển sản phẩm công nghệ cao. Các DN đã chủ động tạo ra được thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghệ cao ra thị trường toàn cầu từ các gói hỗ trợ về chính sách trong đào tạo, tư vấn và hỗ trợ DN của nhà nước”, ông Tùng cho biết.

Ở một góc độ khác không liên quan đến chính sách nhưng là sự khẳng định vai trò của công tác quản trị DN, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, để công nghiệp công nghệ cao tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó ngay ở khu vực vật liệu vì nó đòi hỏi đầu tư rất lớn cũng như công nghệ rất cao trong khi hiện nay chỉ có một số ít các quốc gia có đủ trình độ thực hiện.

Riêng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, các DN Việt Nam mới có thể làm được một số linh kiện nhất định như điện, điện tử, nhựa và cao su và đặc biệt là khu vực sản phẩm kim loại có liên quan đến công nghiệp công nghệ cao với 54 mã sản phẩm.

Còn theo đánh giá chung của ông Nguyễn Bá Cường, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), việc tham gia của các DN đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt lĩnh vực liên doanh, liên kết và chuyển giao công nghệ cho các DN trong nước.

Chính vì vậy, hiện nay Bộ KH&ĐT đang xây dựng Đề án thu hút và sử dụng một cách hiệu quả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong giai đoạn từ 2020 – 2030. Qua đó, Chính phủ đã định hướng cụ thể cho việc thu hút các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới tiên tiến thân thiện với môi trường.

Doanh nghiệp có tận dụng được chính sách?

Để xúc tiến đầu tư công nghiệp và thương mại công nghệ cao trong thời gian tới, bà Trương Thị Chí Bình cho rằng, các DN Việt Nam cần phải đổi mới rất nhiều. “Để ra được sản phẩm công nghệ cao, người ta hay nghĩ đến việc phải có đầu tư về máy móc, quy trình công nghệ hiện đại…nhưng ở nhiều DN, ngay cả khi có máy móc và công nghệ hiện đại thì quy trình quản trị của DN vẫn còn rất kém để có thể đáp ứng yêu cầu của các mạng lưới sản xuất toàn cầu, từ đó khó có thể ra được sản phẩm công nghệ cao theo yêu cầu”, bà Bình cho biết.

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam mong muốn DN nâng cao trình độ quản trị khi đầu tư công nghiệp công nghệ cao.

Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Nguyễn Bá Cường giải thích, Đề án thu hút và sử dụng một cách hiệu quả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ đưa ra các giải pháp đột phá và cụ thể nhằm hoàn thiện thể chế cũng như môi trường đầu tư kinh doanh, sử dụng hiệu quả nguồn vốn…

Bên cạnh đó, Chính phủ chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh hỗ trợ cho việc liên doanh, liên kết và chuyển giao công nghệ giữa DN có vốn đầu tư nước ngoài với DN trong nước. Cùng với đó là việc phát triển cơ sở hạ tầng cứng cũng như mềm phục vụ cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các ngành công nghệ cao.

Khẳng định những chính sách tạo thuận lợi tốt nhất khi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, ông Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) cho biết, năm 2018 là năm có tỷ lệ thu hút đầu tư trong Khu đạt mức 18.000 tỷ đồng, đó chính là minh chứng tại đây đã có những chính sách ưu đãi mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang rất quan tâm.

“Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã tập trung vào 4 nhóm chính sách thu hút đầu tư công nghệ cao như liên quan đến thuế, thu nhập DN được miễn giảm trong vòng 15 năm. Khu miễn thuế nhập khẩu công nghệ, thiết bị, nguyên vật liệu trong nước chưa sản xuất được; Chính sách miễn giảm hoàn toàn tiền thuế phi nông nghiệp trong Khu Công nghệ cao hết vòng đời dự án hoặc 22 năm; Hỗ trợ cho các DN nước ngoài đăng kí hoạt động trong Khu về việc cấp thị thực được sử dụng nhiều lần cũng như cấp phép hoạt đồng dài hạn. Ngoài ra, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc còn có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi tốt nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Cường chia sẻ./.