Theo các chuyên gia, tuyến QL51 đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu có công suất thiết kế 12.000 lượt xe một ngày đêm. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng, lưu lượng xe trên tuyến đã tăng khoảng 32.000 lượt xe, dịp cao điểm lên đến 48.000 lượt một ngày đêm. Đây là nguyên chính xảy ra xung đột giao thông trên QL51. Thêm vào đó, lưu lượng giao thông tăng cao còn do hàng loạt các khu công nghiệp nằm hai bên quốc lộ 51 cũng như cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đi vào hoạt động. Tại các nút giao, "xung đột" giữa các xe nhiều hơn khiến ùn tắc thêm trầm trọng.

Theo quy hoạch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến 2030, địa phương này sẽ phát triển khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải thành trung tâm trung chuyển hàng hoá qua cảng mang tầm quốc tế.

Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia về quy hoạch đã có đề xuất cấu trúc không gian cảng biển của Bà Rịa - Vũng Tàu gồm: đô thị Phú Mỹ và cảng Cái Mép-Thị Vải là thị xã Phú Mỹ được chia làm 4 khu "lõi" là Cái Mép Hạ, Cái Mép, Phú Mỹ và Mỹ Xuân. 

Trong đó, khu Cái Mép Hạ là khu dịch vụ và mậu dịch tự do phục vụ cho hoạt động cảng. Cái Mép và khu Mỹ Xuân là khu đô thị lõi dịch vụ công nghiệp chuyên ngành, đa ngành. Cuối cùng khu Phú Mỹ là khu đô thị lõi hành chính phục vụ hoạt động công nghiệp, cảng biển, nơi ở cho công nhân.

“Trong quy hoạch, Bà Rịa – Vũng Tàu phải hình thành các đô thị vệ tinh xung quanh các khu đô thị trung tâm, dọc theo các hướng tuyến và các điểm kết nối giao thông. Phải đảm bảo khu thương mại nằm trung tâm đô thị, tiếp theo là khu trụ sở, chung cư, nhà ở biệt lập và sau đó là khu công nghiệp, nông nghiệp”, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết./.