Ông Đỗ Hồng Thái - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT cho biết, Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi.

Những bất cập chủ yếu trong công tác dự báo thị trường, tính đồng bộ giữa cảng biển và hệ thống hạ tầng sau cảng; trong cơ chế phối hợp, quản lý thực hiện quy hoạch.

Vì vậy, Cục Hàng hải đang kiến nghị Chính phủ và Bộ GTVT điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch. Theo đó chỉ tiêu lượng hàng qua nhóm cảng biển số 5 dự kiến năm 2015 đạt từ 172 đến 175 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 142 đến 145,5 triệu tấn/năm); năm 2020: 238 đến 248 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 191 đến 200 triệu tấn/năm); năm 2025: 294 đến 316,5 triệu tấn/năm (tổng hợp, container: 245,4 đến 267,5 triệu tấn/năm)…

Về công tác quy hoạch cũng có sự điều chỉnh, trong đó đầu tư các cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) thành cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển container quốc tế (loại IA); cảng TP HCM là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I).

Ông Đỗ Hồng Thái cho biết, sắp tới Bộ GTVT sẽ tìm kiếm nguồn vốn viện trợ ODA tập trung xây dựng một số cảng nước sâu cho tàu trọng tải lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (khi có điều kiện) tiếp nhận được tàu trọng tải trên 100.000 DWT, tàu container sức chở 9.000 TEU hoặc lớn hơn, đủ năng lực để có thể kết hợp đảm nhận vai trò trung chuyển container quốc tế.

Đồng thời Bộ GTVT cũng khuyến khích hình thức hợp tác công tư (PPP) đầu tư các cảng chuyên dùng quy mô lớn cho các khu liên hợp luyện kim, lọc hóa dầu, trung tâm nhiệt điện tiếp nhận được tàu trọng tải 100.000 đến 300.000 DWT hoặc lớn hơn./.