Thị trường bất động sản đã đóng băng trong một thời gian dài. Tính thanh khoản của các phân khúc đều kém và là một nguyên nhân gây ra nợ xấu ảnh hưởng tới nền kinh tế. Để phá băng bất động sản, nhiều kiến nghị đã được đưa ra, trong đó phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ đang là một trong những giải pháp khả thi. Đây là vấn đề được nêu trong Lễ ký thỏa thuận giữa Bộ Xây dựng với Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Nhu cầu nhà ở đang rất lớn
Hiện tại, nước ta có 30 triệu dân sống ở đô thị. Trong 10 năm tới con số này sẽ là 45 triệu, trong đó 80% là người thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Tại Hà Nội, có 4 triệu hộ gia đình có nhu cầu về nhà ở xã hội nhưng mới triển khai xây dựng 15.000 căn hộ, trong đó bán ra khoảng 4.000-5.000 căn hộ. Như vậy, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ đang rất lớn.
Nhiều người dân sống ở các đô thị lớn chưa có nhà để ở. |
Dự thảo mới của Bộ Xây dựng trình Chính phủ sẽ nới lỏng các điều kiện để mua nhà thu nhập thấp như: Quy định sử dụng nhà ở xã hội từ 5 năm trở lên mới được bán, thay vì quy định 10 năm như trước đây; hoặc thu nhập từ 9 triệu đồng/tháng trở xuống được coi là thu nhập thấp….
Bên cạnh đó, để giảm giá thành nhà ở xã hội, Bộ Xây đề nghị cho các doanh nghiệp được dùng 20% diện tích đất hoặc 20% số căn hộ trong dự án nhà ở xã hội để bán với giá thị trường. Lợi nhuận từ việc bán căn hộ này sẽ cộng vào tổng chi phí đầu tư dự án góp phần giảm giá thành của dự án nhà ở thu nhập thấp. Xây dựng những căn hộ quy mô nhỏ từ 30 – 50 m2, khống chế giá nhà ở từ 10 -11 triệu đồng một m2 để tạo ra những căn hộ 300 triệu đồng. Như vậy, bằng với thu nhập thấp và những khoản vay từ các tổ chức tín dụng người tiêu dùng có thể tiếp cận mua được nhà.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn khó khăn nhất. Việc đóng băng thị trường bất động sản không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản mà còn ảnh hưởng tới các tổ chức tín dụng và ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, đời sống người dân.
Nhà ở xã hội - chìa khóa phá băng BĐS
Do đó, theo Bộ trưởng, phá băng bất động sản là nhiệm vụ khẩn cấp và phát triển nhà ở xã hội sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết thêm: “Bộ Xây dựng tập trung thực hiện việc rà soát các dự án bất động sản, phân loại dự án, những dự án dừng lại, cơ cấu lại theo hướng phát triển nhà ở xã hội, có chính sách phù hợp, giảm giá thành sản phẩm, giải quyết nhà ở cho người nghèo coi đây là gói kích cầu gián tiếp cho thị trường bất động sản. Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản không chỉ làm ổn định nền kinh tế mà còn giúp cho người nghèo có nhà ở”.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển (BIDV) cho rằng: Tập trung vào phát triển nhà ở xã hội không chỉ lo được nhà ở cho người nghèo mà còn tháo gỡ nợ xấu, tăng thu ngân sách, giải quyết vấn đề tồn kho vật liệu xây dựng… Tuy nhiên, để phát triển chương trình nhà ở xã hội chúng ta cần những chính sách hữu hiệu.
Khảo sát của BIDV, đối với khách hàng mua nhà xã hội thì lãi suất cho vay với người thu nhập thấp là vấn đề quan trọng nhất. Chúng ta nói là hướng tới người nghèo nhưng lại chưa có cơ chế ưu đãi về lãi suất vay mua nhà thì người thu nhập thấp khó tiếp cận được nguồn vốn. Về phía các doanh nghiệp có dự án xây dựng nhà thu nhập thấp, cần khoanh các khoản nợ xấu để các tổ chức tín dụng tiếp tục rót vốn cho các doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Ông Trần Bắc Hà tính toán: Nền kinh tế có tổng dư nợ 2,8 triệu tỷ, chỉ cần mỗi tổ chức tín dụng bỏ ra 3% dự nợ nghĩa là 100.000 tỷ đồng, giả định mỗi 1 m2 là 15 triệu m2 thì cũng đã có 5,6 triệu căn hộ nhà thu nhập thấp. Đây phải là chương trình ưu tiên số một. Lãi suất cho vay bằng 2/3 lãi suất huy động, như thế người hưởng thụ là những người thu nhập thấp chấp nhận được.
Trong 3 năm (2013-2015), BIDV cam kết hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội bao gồm chủ đầu tư xây dựng và người dân vay mua. Người vay tiền mua nhà ở xã hội sẽ được vay mức ưu đãi thấp hơn lãi suất huy động 10%. Giải pháp phát triển nhà ở xã hội sẽ hướng tới hai mục tiêu là xây dựng nhà ở cho người nghèo và góp phần kích cầu thị trường bất động sản./.