Sáng nay (3/6), đại diện hơn 130 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng đô thị tham gia cuộc gặp gỡ với lãnh đạo TP HCM. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc gặp.

Lãnh đạo thành phố thừa nhận, tăng dân số và đô thị hóa khiến hệ thống hạ tầng hiện không đáp ứng được nhu cầu phát triển, gây ra nhiều bức xúc cho người dân, nhất là trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, xử lý chất thải…

nguyen_thien_nhan_wzof.jpg
Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trăn trở về bài toán quy hoạch của thành phố. (Ảnh: VNE)
Từng ngành chức năng của thành phố căn cứ vào thực tiễn và quy hoạch thành phố được phê duyệt đã đưa ra nhiều hạng mục, công trình kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho giai đoạn đến năm 2020, năm 2030.

Trong giao thông, diện tích đất đã được xây dựng hiện mới chỉ có 8,2 % trong tổng diện tích đất của thành phố, mà theo quy hoạch được duyệt là 23%. Giai đoạn 2016-2020 thành phố cần đầu tư 189 dự án hạ tầng giao thông với tổng vốn trên 318.700 tỷ đồng, trong đó 41,5% tổng vốn cần kêu gọi đầu tư.

Thực tế hiện nay, 90% vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông là từ ngân sách, từ vốn ODA…nên rất cần các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư để tăng tỷ tỷ lệ vốn tư nhân.

Từ nay đến năm 2020, thành phố cũng đang nỗ lực kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các hạng mục như: xử lý 8 ngàn tấn chất thải rắn/ngày, phủ đỉnh và xử lý các bãi chôn lấp rác đã ngưng tiếp nhận bằng công nghệ hiện đại; hệ thống quan trắc môi trường tự động hóa, hiện đại hóa; xây mới một nửa trong tổng số 747 chung cư cũ; tham gia vào tổng vốn đầu tư 73.000 tỷ đồng cho thực hiện quy hoạch giảm ngập do mưa và chống ngập do triều cường…

Ông Đinh Ngọc Ninh, đại diện Tập đoàn SSG trình bày tại hội nghị.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng, thực tiễn phát triển cần có sự tham gia của doanh nghiệp, trí thức cùng lãnh đạo thành phố trong cả 3 khâu: Quy hoạch và xây dựng chiến lược, xây dựng chính sách và thực thi chính sách. Cần làm thế nào để phát huy được góp phần xây dựng chính sách hợp lý và xắn tay cùng thành phố triển khai các dự án liên quan đến hạ tầng.

Nhiều doanh nghiệp nêu ý kiến, để doanh nghiệp có thể tham gia đầu tư mạnh hơn, nhanh hơn vào hạ tầng, thành phố phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xem xét nhanh hơn các dự án đầu từ để doanh nghiệp không bỏ lỡ cơ hội, minh bạch trong quy hoạch, có thêm ưu đãi về đầu tư trong từng lĩnh vực cụ thể, tạo quỹ đất sạch hoặc hỗ trợ nhà đầu tư giải phóng mặt bằng./.