Ông Đinh Quang Bào, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ - Thương mại LADODA, Chủ tịch Hội Da giầy TP Hà Nội, là một trong 9 người vừa được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2016. Ông đã có công phát triển ngành da giầy Việt Nam, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Sản phẩm của Công ty được xuất khẩu sang nhiều nước.

Ông tâm sự: “Tôi rất hạnh phúc khi được nhận giải thưởng này. Tôi không biết diễn tả cảm xúc thế nào. Với tôi, đam mê và nhiệt huyết là chìa khóa để thành công”.

Đam mê và tâm huyết với nghề

Chia sẻ bí quyết khởi nghiệp thành công, ông Bào nói: “Bất cứ làm nghề gì, điều đầu tiên cần phải có là sự đam mê và tâm huyết với nghề. Trong quá trình khởi nghiệp sẽ không tránh khỏi sự thất bại nhưng thất bại cũng phải rút ra bài học. Nếu rút ra được bài học và có quyết tâm làm lại thì vẫn thành công”.

Tôi có 5 người con, thì có 4 người rất đam mê nghề da. Phương châm của tôi là: “Làm kinh tế luôn luôn phải lấy chữ tín. Trong cuộc sống thì phải luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người, ai gặp khó khăn mà mình có thể giúp đỡ được thì phải cố gắng giúp đỡ”.

Hiện nay, tôi đã vượt qua độ tuổi xưa nay hiếm. Nếu còn sống ngày nào có thể cống hiến được, tôi sẽ cống hiến hết mình cho đất nước, nhất là góp sức đưa ngành da của Thủ đô Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung tiếp tục phát triển. Tất cả những kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm về nghề tôi sẽ truyền lại cho các anh em trong công ty để duy trì và phát triển ngành da”

vov_ong_bao_vykb.jpg
Ông Đinh Quang Bào, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ - Thương mại LADODA.
Nhớ lại con đường khởi nghiệp của mình, ông Bào kể: Sinh ra và lớn lên tại Kiêu Kỵ, có làng nghề truyền thống làm đồ da và nghề quỳ. Bố mẹ tôi mất sớm. Năm 12 tuổi, tôi lên Hà Nội học nghề may đồ da. Rồi sau đó tôi xin vào làm ở tổ may quân nhu, tổ may nhỏ đó sau này đã trở thành một HTX. Tôi đã trưởng thành từ đó, năm 19 tuổi được kết nạp Đoàn và đến 23 tuổi được kết nạp Đảng.

Sau đó, tôi xin vào làm tại Xí nghiệp may 40, rồi được giao làm tổ trưởng sản xuất, sau vài tháng thì tôi lên làm quản lý. Và rồi tôi lại chuyển vào làm ở Cục Công nghiệp Hà Nội (sau thành Sở Công nghiệp Hà Nội).

Đến năm 1990, tôi được nghỉ hưu sau 30 năm công tác. Với quyết tâm giữ lại nghề truyền thống của quê hương là may đồ da nên tôi đã về lập 1 xưởng nhỏ để sản xuất. Tuy nhiên, lúc đó, Nhà nước vẫn chưa cho phép đảng viên làm kinh tế nên tôi phải dừng sinh hoạt Đảng mới được phép đăng ký thành lập công ty Ladoda (tức là làm đồ da) năm 1992.

Khởi nghiệp từ 40 triệu đồng

Từ số vốn ban đầu là 40 triệu đồng, đến nay thương hiệu làm đồ da (Ladoda) đã có mặt nhiều nước trên thế giới và tạo được công ăn việc làm cho nhiều công nhân.

Ông Bào kể: “Tôi là người khởi nghiệp muộn – về hưu mới khởi nghiệp, với số vốn ít ỏi chỉ 40 triệu đồng. Số tiền đó, tôi dành mua 3 chiếc máy khâu, nơi làm việc là ngay tại nhà riêng ở 39 Phủ Doãn, Hà Nội (hiện tại ngôi nhà này là Đại lý chính hãng của Ladoda). Nhân sự cũng chỉ có 5-6 người. Nhưng với lòng đam mê và nhiệt huyết, chúng tôi đã gây dựng phát triển thương hiệu từ đó.

Trung bình, lương công nhân ở công ty Ladoda là trên 6,3 triệu đồng/người/tháng.

 

Chúng tôi đã tập trung sản xuất, thuê mướn thêm công nhân. Đặc biệt là tôi phải mở các khóa đào tạo nghề cho công nhân, khóa đầu tiên được khoảng 50 người. Nhà xưởng cùng dần được mở mang từ nhà cấp 4 rồi xây lên 2 đến 3 tầng.

Công việc thuận lợi, các đơn hàng ngày càng nhiều hơn, số lượng công nhân được tuyển dụng lên đến gần 400 người. Lúc đó, xin đất ở Hà Nội để mở rộng nhà xưởng sản xuất rất khó nên tôi đã sang Hưng Yên xin được 3ha và xây dựng nhà máy từ năm 2003".

Đối với nhiều người, ở tuổi nghỉ hưu là an dưỡng tuổi già, nhưng với ông Bào đây lại là bước đầu khởi nghiệp làm kinh tế. Trong 24 năm qua, ông đã tuyển dụng và đào tạo được trên 50 khóa công nhân cho công ty, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người dân ở xã Kiêu Kỵ và các khu vực xung quanh. Trung bình, lương công nhân ở công ty Ladoda trên 6,3 triệu đồng/người/tháng.

Ông đã đóng góp công sức không nhỏ trong việc phục hồi nghề truyền thống của quê hương, nhiều gia đình ở xã Kiêu Kỵ đã mở công ty sản xuất hàng da. Ông đã được nhân dân tín nhiệm bầu vào HĐND huyện 3 khóa liên tiếp.

Ngay từ những ngày đầu, từ lúc công ty chỉ có 6,7 người, ông Bào luôn xác định chất lượng là sự sống còn của doanh nghiệp. Với phương châm đó, đến nay, Ladoda đã trở thành thương hiệu lớn trong nước và quốc tế. Thương hiệu Ladoda không chỉ rất gần gũi với người dân, học sinh trong nước mà con vươn ra nhiều thị trường quốc tế.

Đến nay, Ladoda có 300 loại sản phẩm, riêng ba lô khoảng 60 loại, cặp học sinh 50 loại. Sản phẩm chủ lực của công ty là cặp cán bộ, cặp công sở. Mỗi năm, Ladoda làm được khoảng 700 nghìn đến 1 triệu sản phẩm. Trong đó xuất khẩu chiếm khoảng 30%, còn 70% tiêu thụ ở thị trường nội địa. Hiện nay, thị trường tiêu thụ của Ladoda rất lớn, 63 tỉnh thành trên cả nước đều có các đại lý của công ty (có trên 200 đại lý bán mặt hàng này). Từ năm 1998, hàng Ladoda được xuất khẩu sang các nước khác như: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, CH Czech, Hungary, Mỹ, Guatemala... Đặc biệt, Ladoda cũng được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao 20 năm liền.

“Tôi tự hào vì cặp Ladoda rất tốt và rất phù hợp với người dân. Tôi luôn lấy chất lượng, uy tín làm cốt yếu; lấy người tiêu dùng trước để tuyên truyền cho người tiêu dùng sau.” - ông Bào chia sẻ.

Luôn chăm lo đến cuộc sống của công nhân

Người lao động ở công ty Ladoda đến từ 25 tỉnh thành khác nhau. Vì vậy, khi xin được đất ở Hưng Yên, Công ty đã xây nhà ở tập thể miễn phí cho công nhân.

Ông Bào luôn nghĩ “an cư mới lạc nghiệp”, mình phải lo cho người lao động có nơi ăn chốn ở ổn định. Nếu công nhân nào không muốn ở khu tập thể thì có thể tự thuê ở ngoài và công ty sẽ hỗ trợ thêm tiền thuê nhà. Công ty cũng hỗ trợ thêm 20% tiền điện cho công nhân.

Công ty tự trồng rau cho công nhân
Công ty dành 1ha đất để trồng trọt, chăn nuôi làm thức ăn sạch cho công nhân và có nhà ăn tập thể cho công nhân ăn giữa ca miễn phí.

Công ty luôn thực hiện đầy đủ các chính sách lao động, chế độ BHXH, BHTN, BHYT, chế độ tiền thưởng ngày lễ cho công nhân như: ngày Tết, ngày 1/5, 2/9,..., tiền thưởng chuyên cần (công nhân nào đảm bảo thực hiện tốt công việc được thưởng thêm 200.000 đồng), hàng tháng tổ chức sinh nhật cho anh em công nhân...

Đặc biệt, công ty còn có chính sách đãi ngộ cho chị em phụ nữ, lương của chị em phụ nữ trong công ty cao hơn nam giới cùng cấp bậc 5% để khuyến khích chị em phụ nữ làm việc. Sau khi sinh con, chị em phụ nữ sẽ được công ty hỗ trợ mỗi tháng 100.000 để nuôi con nhỏ trong 2 năm.

Để người lao động gắn bó với doanh nghiệp, mấy năm qua, công ty đã thực hiện chế độ thưởng thâm niên cho người lao động. Tùy thâm niên cho đến khi về hưu mà được cộng thêm 1 đến 2 triệu vào lương hàng tháng.

Ông Bào cho biết: “Vì bản thân tôi là người lao động từ rất sớm nên tôi rất thông cảm cho người lao động. Chúng tôi thực hiện đầy đủ chế độ người lao động để họ cảm thấy thoải mái và làm tốt công việc ở công ty”.

Hằng năm, công ty đều dành 400-500 triệu ủng hộ, tài trợ cho người nghèo, tặng cặp cho trẻ em nghèo, quyên góp gạo, quần áo cho nhân dân miền Trung ngập lụt, tham gia xây 2 nhà tình nghĩa tại quê hương, nhận nuôi bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hỗ trợ các cháu bị tim bẩm sinh, chất độc màu da cam,.../.