Nâng cao hiệu quả chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP), trong 2 ngày (16-17/9), tỉnh Đăk Lăk tổ chức Hội nghị tập huấn xây dựng, triển khai kế hoạch kinh doanh và phát triển sản phẩm cho 150 chủ doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh những thông tin chung về Chương trình OCOP, các học viên đã được tập huấn hướng dẫn quy trình, các bước thực hiện nội dung chương trình; công tác quản lý và cách thức tổ chức đánh giá xếp loại sản phẩm OCOP.

Từ những sản phẩm đã có, chủ thể sản xuất được hướng dẫn viết câu chuyện sản phẩm; quy trình xây dựng mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc; hồ sơ về chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm; giới thiệu các loại hình tổ chức kinh tế cộng đồng, thị trường và tiếp thị, xây dựng phương án kinh doanh… 

Ông Lê Văn Bằng, Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Vương Thành Công - doanh nghiệp có sản phẩm cà phê hữu cơ tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm theo chương trình OCOP cho biết, kiến thức về OCOP hiện công ty đang thiếu, nhờ có lớp tập huấn việc triển khai chương trình sẽ hiệu quả và cụ thể hơn.

“Thông qua các đợt tập huấn như này, các doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn về sản phẩm OCOP, quy trình, cách làm để đăng ký vào sản phẩm OCOP cấp tỉnh, làm hồ sơ làm sao để đạt chất lượng, chấm được nhiều sao để có thể đưa sản phẩm ra thị trường rộng rãi hơn”, ông Bằng nêu ý kiến.

Chương trình OCOP được xác định là một giải pháp cụ thể, hiệu quả giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn thông qua phát triển nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Đăk Lăk đặt mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ hoàn thiện, nâng cấp 27 sản phẩm OCOP trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ, du lịch nông thôn; xây dựng 1 - 2 làng du lịch sinh thái cộng đồng, làng văn hóa gắn với khu dân cư nông thôn kiểu mẫu. Hiện tỉnh đã xếp hạng được 11 sản phẩm, các sản phẩm còn lại sẽ được tiếp tục đánh giá trong đợt II, năm 2020./.